Chuyến thăm hàn gắn bất đồng

Thế giới - Ngày đăng : 08:25, 07/01/2018

(HNM) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa có chuyến thăm Pháp và hội đàm với người đồng cấp Emmanuel Macron tại Điện Elysee.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan (phải) và Tổng thống Pháp E.Macron tại Điện Elysee (Pháp).


Thổ Nhĩ Kỳ không còn là "ngôi sao đang lên" trong khu vực, trái lại hiện phải đối mặt với vô vàn thách thức như: Chủ nghĩa chuyên chế ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng không mấy ấn tượng và vấn đề người Kurd đòi quyền độc lập gia tăng. Với đường biên giới 900km với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có gần hai triệu người Syria tị nạn và rất dễ bị các cuộc tấn công, xâm nhập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Quan hệ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước láng giềng phía Nam đã giảm kể từ phong trào Mùa xuân Ả rập năm 2011. Với hàng loạt thách thức đó, Ankara khó có thể một mình đối đầu.

Nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu và cộng đồng quốc tế sẽ phải chật vật đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải: Những mối đe dọa từ các chiến binh nước ngoài, đánh bại IS, ổn định tình hình Iraq và vạch ra một giải pháp chính trị cho "vũng lầy" tại Syria. EU cũng cần có quan hệ đối tác vững chắc với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, thay vì xích lại gần nhau, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên xa cách.

Đặc biệt, cánh cửa cho Ankara gia nhập ngôi nhà chung EU ngày càng hẹp, nhất là khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Bà A.Merkel có quan điểm cứng rắn và nghiêm khắc nhất với "lá đơn xin gia nhập" của Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ Đức, nhiều nước Châu Âu cũng tỏ vẻ phản đối hoặc lưỡng lự. Lý do công khai nhất là những căng thẳng gần đây liên quan chiến dịch trấn áp tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016 và cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp tại nước này hồi tháng 4-2017. Các nước Châu Âu cho rằng, đó là hành động “thiếu dân chủ”, trái ngược với quy tắc và quy định của EU.

Ngược lại, Tổng thống R.Erdogan từng cho rằng, những vấn đề nội bộ của Ankara là nguyên nhân rất nhỏ để EU kéo dài cuộc đàm phán mà tâm lý bài Hồi giáo mới là nguyên nhân chính. Phát biểu tại một cuộc họp báo chung tại Paris, ông R.Erdogan nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi 54 năm và sẽ phải đưa ra "quyết định cuối cùng" về việc có tiếp tục cố gắng để bước vào ngôi nhà chung Châu Âu nữa không.

Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh mới đây Ankara đã thay đổi lập trường về Syria khi ông R.Erdogan nhận xét, Tổng thống Syria Bashar al-Assad là “kẻ khủng bố” và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc chiến đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sự “đảo chiều” vì trước đây nước này từng xác định Chính phủ Syria không còn là mối đe dọa.

Việc Tổng thống E.Macron tiếp đón ông R.Erdogan đã gặp phải không ít lời chỉ trích trong nước nhưng cho thấy chính sách ngoại giao rất thực tế của ông chủ Điện Elysee, bởi sau khi quan hệ Đức - Thổ đổ vỡ, Pari đang có cơ hội trở thành đối tác tiên phong cùng Ankara giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn đến từ Trung Đông và Bắc Phi.

Theo các nhà phân tích, việc ông R.Erdogan đến thăm Pháp ngay trong những ngày đầu năm 2018 gửi đi một thông điệp rõ ràng, đó là cách tái khởi động mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, thông qua trung gian Pháp. Bằng cách xích lại gần hơn với Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo ra "cú hích" mới trong hành trình gia nhập ngôi nhà chung Châu Âu.

Thuỳ Dương