Giáp Tết, cảnh báo nguy cơ ngộ độc rượu
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 08/01/2018
Tử vong do rượu trắng “3 không”
Thời điểm này, mỗi ngày Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đều tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu vào khám, điều trị. Có ngày có tới 2-3 ca được đưa vào cấp cứu. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi (thanh niên, trung niên), thuộc mọi thành phần (công chức, người lao động, sinh viên…). Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp).
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). |
Sau 3-4 ngày uống rượu liên tục tại những buổi liên hoan cuối năm, đám cưới…, bệnh nhân N.Đ.T (47 tuổi, ở Hà Nội) được người thân đưa đến bệnh viện gần nhà trong tình trạng lơ mơ, mắt mờ… Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khi đã rơi vào hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương não và ngừng tim. Điều đáng nói là kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol trong máu của bệnh nhân lên tới gần 300mg/100ml máu, trong khi chỉ với mức trên 20mg/100ml máu là đã gây ngộ độc.
Cũng tham gia vào buổi tiệc liên hoan cuối năm, anh N.V (35 tuổi, ở Hà Nội) bị bạn bè thách uống cạn 1,5 lít rượu. Sau khi uống xong, anh N.V bị rối loạn ý thức, nôn nhiều, lại hít phải chất nôn, đờm dãi lọt vào đường thở, gây viêm phổi nặng. Anh N.V lập tức được đưa vào Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, khó thở. Các y bác sĩ đã tập trung nỗ lực cứu chữa nhưng hiện nay, bệnh nhân vẫn đang hôn mê, phải thở máy, tiên lượng dè dặt…
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần) trôi nổi ngoài thị trường. Vì lợi nhuận, người sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu. Methanol khi vào cơ thể được chuyển hóa thành chất độc, phát tác chậm. Sau 1-2 ngày bị ngộ độc methanol, bệnh nhân nặng có dấu hiệu bị mù mắt, viêm gan, sau đó là trụy mạch và tử vong. Những người thoát chết thì cũng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan…
“Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều “ma men” nghĩ rằng say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày (đối với nam) và một đơn vị cồn/ngày (đối với nữ). Một đơn vị cồn tương đương với 1 cốc bia 330ml hay 1 ly rượu vang 100ml hoặc 1 cốc nhỏ 30ml rượu mạnh. |
Phòng tránh ngộ độc rượu như thế nào?
Theo ông Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu, bia ở mức báo động (xếp thứ 2 trong khu vực, thứ 10 ở Châu Á và thứ 29 trên thế giới). Theo thống kê, trung bình mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu. Đặc biệt, mỗi năm, người Việt còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu “không chính thống” do người dân tự nấu.
Một khảo sát của Bộ Y tế được thực hiện với hơn 3.000 nam giới cho thấy, có đến 44% uống rượu ở mức nguy hại (sử dụng khoảng 6-10 đơn vị cồn/lần uống). Thói quen lạm dụng rượu, chỉ uống mà không ăn hoặc ăn rất ít là một sai lầm nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, khi say rượu, sau lúc nôn, lảm nhảm, nhiều người thường lịm đi, thậm chí ngủ liền trong vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó, do ở trong tình trạng bị đói nên những người này đối diện nguy cơ bị hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng trên não.
Vì vậy, lời khuyên là hãy ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau khi uống rượu, đặc biệt là bổ sung tinh bột (cơm, bún, mỳ,…) hoặc sử dụng thức ăn có nhiều đường. Điều quan trọng là mọi người cần lưu ý uống vừa phải để tránh bị say. Trong trường hợp bị ngộ độc rượu thì cần bảo đảm thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên.
Nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), rượu, bia không chỉ gây ngộ độc mà còn là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh ung thư. Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ gây ung thư càng cao. Do đó, nếu có sử dụng rượu, bia, nhất là trong dịp lễ, Tết, người dân cần uống càng ít càng tốt.
Ngoài ra, mọi người lưu ý là khi uống rượu, bia thì nên uống từ từ, từng chút một kết hợp với sử dụng đồ ăn, uống nước lọc. Tuyệt đối không dùng rượu, bia khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sau khi uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.