Nỗi lo thực phẩm thiếu an toàn

Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 08/01/2018

(HNM) - Kết quả giám định 300 mẫu thực phẩm tươi sống tại 5 chợ trên địa bàn các tỉnh phía Nam cho thấy, hầu hết các mẫu này đều nhiễm vi khuẩn E.coli, gây ra bệnh tiêu chảy.


Thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã lấy mẫu thực phẩm tươi sống bày bán tại các chợ thuộc 5 tỉnh, thành phố là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả lấy 150 mẫu thịt gà, vịt, lợn xét nghiệm thì 100% mẫu nhiễm vi khuẩn E.coli vượt ngưỡng cho phép ở mức rất cao. Với 147 mẫu thủy hải sản như hàu, nghêu, sò..., kết quả kiểm tra cho thấy có gần 64% (94 mẫu) nhiễm vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy, trong đó 82% nhiễm E.coli mức từ trung bình đến cao.

Nguyên nhân dẫn đến thực phẩm nhiễm E.coli là do điều kiện vệ sinh từ lò giết mổ gia súc, gia cầm đến nơi bày bán, chế biến thực phẩm chưa bảo đảm. Mặc dù, các mẫu trên không chỉ được phát hiện riêng tại TP Hồ Chí Minh, song thực tế trên khá phổ biến ở các điểm kinh doanh thực phẩm tại chợ truyền thống và chợ tự phát ở thành phố này. Chỉ tính riêng chợ truyền thống, toàn thành phố có khoảng 240 điểm chợ. Tại khu chợ Tân Thuận (quận 7), mặt hàng thực phẩm tươi sống được bày bán trên các bàn chứa cáu bẩn, chợ không có mái che, đầy nước mưa, bụi bặm.

Tương tự, tại khu chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), các mặt hàng tôm, cua, cá được bày bán trên các mâm, thau chứa để sát lòng đường. Các tiểu thương còn sơ chế các sản phẩm ngay cạnh nền bẩn để giao cho khách...

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thực phẩm không chỉ nhiễm vi khuẩn mà còn chứa hóa chất độc hại, nhiễm chất cấm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng bảo đảm thực phẩm an toàn khó khăn hơn, khi tình trạng tự nhận thực phẩm sạch, an toàn đang được bán tràn lan trên mạng lẫn các kênh phân phối ra thị trường.

Điển hình, vừa qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã lấy 550 mẫu rau quả và trái cây đi xét nghiệm. Kết quả phân tích có 5 mẫu vượt mức giới hạn cho phép với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí ngay tại Hội thi Trái ngon an toàn Nam Bộ lần thứ 9 năm 2017, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiểm tra ngẫu nhiên bằng phương pháp test nhanh tại chỗ thì phát hiện 2 mẫu cam sành và 1 mẫu cam xoàn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Tương tự, khi tổ chức lấy 19 mẫu bánh trung thu kinh doanh trên mạng và đường phố để phân tích các chỉ tiêu vi sinh, đơn vị này đã phát hiện 4/19 mẫu không đạt chất lượng.

Càng gần Tết, nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng bùng phát, nên rất cần sự tăng cường kiểm tra, giám sát từ nhiều cơ quan hữu quan. Hiện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra dịp đầu năm 2018, trong đó tăng cường công tác lấy mẫu đánh giá chất lượng thực phẩm lưu thông trên địa bàn với số lượng dự kiến 450 mẫu.

Lực lượng chức năng sẽ tập trung vào cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu nông sản, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên tránh xa các điểm bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh như một cách ngăn ngừa thực phẩm bẩn trên bàn ăn trong bữa cơm gia đình.

Tuệ Diễm