Châu lục năng động

Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 08/01/2018

(HNM) - Châu Á vẫn là khu vực năng động nhất về kinh tế và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Châu Á được kỳ vọng sẽ là đầu tàu kinh tế của thế giới trong thập kỷ tiếp theo.


Hiện chưa có thống kê chính thức, nhưng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tin rằng Châu Á sẽ hoàn thành mức tăng trưởng 6% được dự báo cho năm 2017. Theo ADB, mục tiêu này được thực hiện nhờ xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa tăng cao hơn so với dự kiến, trong khi dự báo cho năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 5,8%.

Tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới cũng được nhận định là vào khoảng 6,8% vào năm 2017 và 6,4% năm 2018. Trong khi đó, Nam Á sẽ vẫn là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các tiểu vùng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp dự đoán của ADB giảm từ mức 6,7% xuống còn 6,5% trong năm 2017, nhưng được kỳ vọng tăng lên 7% vào năm 2018.

Tăng trưởng của Ấn Độ được điều chỉnh giảm còn 6,7% năm 2017 và 7,3% năm 2018. Triển vọng của Trung Á trong năm nay đã được cải thiện thêm do nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu cao hơn ở một số quốc gia đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của tiểu vùng. Tăng trưởng được dự kiến đạt 3,6% trong năm 2017 so với dự báo ban đầu là 3,3%; bởi thế mức dự báo của năm 2018 cho Trung Á là 3,9%.

GDP khu vực Đông Nam Á hiện được dự đoán là 5,2% cả trong năm 2017 và 2018. Tiểu vùng này đang được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ hơn. Trong đó, Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đều được kỳ vọng tăng trưởng mạnh, một phần nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, đặc biệt là tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Trong năm qua, Châu Á - Thái Bình Dương cũng đi đầu về hội nhập và nỗ lực thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách kinh tế tại đây vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu nhằm duy trì đà tăng trưởng. Trong bối cảnh xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa vẫn lan rộng, đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu, nhu cầu về các liên kết thương mại sâu sắc hơn nhằm thúc đẩy thị trường tự do cũng gia tăng.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà trước đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang là những bước đi tích cực của khu vực trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế theo hướng cân bằng lợi ích của các bên vì thịnh vượng chung.

Do vậy, theo một số chuyên gia kinh tế, nhiều thách thức trong năm 2017 còn tiếp diễn trong năm 2018. Các quốc gia sẽ phải tìm ra những nguồn tăng trưởng mới, đồng thời đối phó với sự trỗi dậy của xu thế bảo hộ thương mại. Tuy vậy, theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Anh (CEBR), Châu Á sẽ tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên bàn cờ kinh tế thế giới trong năm 2018.

Sự thăng tiến này sẽ còn tiếp tục trong 15 năm tới. Đến năm 2032, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, sẽ có thêm Hàn Quốc và Indonesia lọt vào danh sách 10 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng được dự báo sẽ chiếm lĩnh vị trí cường quốc kinh tế số 1 hành tinh từ Mỹ vào năm 2030.

Cho đến nay, các nhận định từ nhiều chuyên gia đều cho rằng với sự phát triển năng động, các trung tâm quyền lực kinh tế thế giới đang dịch chuyển về Châu Á. Điều này đem tới những cơ hội mới cho châu lục, nhưng đồng thời cũng làm phát sinh những thách thức đòi hỏi lục địa đông dân nhất hành tinh có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục giữ được động lực tăng trưởng.

Hoàng Linh