Chủ động giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai

Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 08/01/2018

(HNM) - Để kiểm soát, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giải pháp quan trọng nhất là phải loại trừ yếu tố chủ quan, chuyển phương thức bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa…

Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản ở huyện Chương Mỹ.


Còn nhiều bất cập

2017 được coi là năm của những kỷ lục về thiên tai, với 16 cơn bão, 6 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, gây thiệt hại cho cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Trong số 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền nước ta, bão số 10 và bão số 12 có cường độ rất mạnh, với sức gió cấp 11-12, giật cấp 13-14, rủi ro thiên tai gần chạm cấp độ thảm họa. Đặc biệt, sau gần 10 năm xảy ra trận mưa úng lịch sử năm 2008, tháng 10-2017, nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai… tái cảnh ngập lụt.

Ứng phó với thiên tai, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng kinh tế của Nhà nước… Tuy nhiên, do tính chất khắc nghiệt của thời tiết và nhiều bất cập trong công tác phòng ngừa, ứng phó nên năm 2017, thiên tai vẫn làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 60.000 tỷ đồng; trong đó, TP Hà Nội có 2 người chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 1.500 tỷ đồng... Mức độ thiệt hại này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế...

Đánh giá về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiệt hại thiên tai trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố Đỗ Đức Thịnh cho rằng: Một số địa phương còn bị động, chưa kịp thời và thiếu quyết liệt. Một số cán bộ, người dân còn tư tưởng chủ quan trong phòng, chống thiên tai dẫn đến hậu quả và thiệt hại còn lớn.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài: Hạn chế phổ biến của các địa phương hiện nay là chưa có bộ máy quản lý nhà nước chuyên trách về phòng, chống thiên tai. Năng lực chống chịu của các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà dân còn hạn chế, nhất là ở những vùng thiên tai ít xảy ra. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức. Nguồn tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách. Việc triển khai quỹ phòng, chống thiên tai ở các địa phương chậm nên chưa phát huy tốt hiệu quả...

Chuyển phương thức

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên cường độ thiên tai có xu hướng gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, với nhiều đợt thiên tai cực đoan và trái quy luật… Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi nhận thức, hành động theo tầm nhìn dài hạn với cách tiếp cận quản lý giảm rủi ro thiên tai tổng hợp dựa trên nền tảng luật pháp, chính sách hoàn chỉnh, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ tiên tiến, các công cụ tài chính tương thích và nhận thức của người dân. Nói cách khác, các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi cách “ứng xử” với thiên tai theo hướng bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Cụ thể, các bộ, ngành địa phương cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai; rà soát, đề xuất chính sách, tránh chồng chéo, giảm xung đột về lợi ích ngành, vùng và địa phương. Bên cạnh đó, cần ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin địa không gian, phục vụ công tác quản trị, điều hành, hỗ trợ kỹ thuật, nâng độ tin cậy và dịch vụ cảnh báo sớm thiên tai ở tất cả các cấp. Đặc biệt, cần tăng cường giải pháp tài chính, gồm cả kế hoạch đầu tư và phát triển các công cụ tài chính; sắp xếp nguồn vốn của Nhà nước đầu tư có mục tiêu theo các chương trình, dự án cấp thiết, kết hợp lồng ghép các chương trình liên quan; phối hợp, hợp tác quốc tế về hỗ trợ vốn và kỹ thuật; thí điểm và ứng dụng các công cụ tài chính giảm nhẹ thiên tai như sử dụng có hiệu quả dự phòng ngân sách, các nguồn quỹ kết hợp phát triển bảo hiểm và tái bảo hiểm, nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân, bảo vệ nguồn tài chính bền vững, linh hoạt, có khả năng chống chịu với các cú sốc tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra.

Trong nông nghiệp, lĩnh vực được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế quốc dân trước tác động của thiên tai, cần từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp thông minh, có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo đó, cần nghiên cứu đầy đủ các tác động trực tiếp và tiềm tàng của thiên tai đến nền nông nghiệp, thực nghiệm mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu sản xuất, công nghệ bảo quản phù hợp với đặc thù thiên tai, phát triển thị trường, thúc đẩy xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh liên tục, góp phần giúp người dân ứng phó, bảo vệ sản xuất và kinh doanh chủ động hơn trước tác động bất thường của thiên tai…

Kim Nhuệ