Cần tầm nhìn dài hạn
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:02, 09/01/2018
Có thể thấy, nội dung pháp luật đề cập về lĩnh vực trên là khá bao quát, rõ ràng. Việc luật hóa vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch cũng có ý nghĩa quan trọng. Đây vừa là căn cứ để Nhà nước, chính quyền địa phương phát triển hoạt động du lịch nhờ cộng đồng dân cư một cách bài bản, hiệu quả; vừa là ràng buộc pháp lý để người dân tham gia hoạt động du lịch ý thức rõ trách nhiệm của mình; tránh tình trạng kinh doanh ồ ạt, thiếu bền vững…
Thực tế, mô hình cộng đồng dân cư làm du lịch đã phát triển khá tự do, phong phú, sáng tạo ở nhiều địa phương. Nhưng như những phân tích ở trên, hoạt động này đang tự bộc lộ nhiều hạn chế, chủ yếu ở việc thiếu tầm nhìn dài, hiệu quả chưa xứng với tiềm năng, thậm chí có biểu hiện chụp giật vì lợi nhuận trước mắt, tổn hại đến môi trường tự nhiên, xã hội… Vì vậy, Luật Du lịch với những nội dung được đề cập bao quát, cụ thể về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch không nhằm mục tiêu gì khác là loại bỏ bớt trở lực, huy động, tập trung được tối đa sức dân trong hoạt động này.
Trước hết, muốn được như vậy, không nói đâu xa, phải tuyên truyền mạnh, hiệu quả về Luật Du lịch. Trong đó có những nội dung hết sức thiết thực như 9 hành vi bị cấm trong hoạt động du lịch là gì? Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động nào liên quan đến thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư? Việc tuyên truyền cũng phải nhắm đến thông điệp sâu sắc: Cộng đồng làm du lịch cũng có nghĩa là mỗi người dân đều góp sức mình vào mục tiêu chung của du lịch bền vững. Một nụ cười, một cử chỉ đẹp, một sự giúp đỡ đúng lúc, cần thiết… đối với du khách đều có ý nghĩa không kém một cuộc xúc tiến tầm vóc.
Đặc biệt, làm du lịch cộng đồng thì vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Trong đó, có việc tham gia xây dựng quy hoạch về du lịch; rà soát, nghiên cứu những mô hình du lịch cộng đồng hiện nay; chấn chỉnh những lối làm du lịch không phù hợp; hỗ trợ những mô hình hiệu quả. Sự sâu sát, tầm nhìn dài hạn của chính quyền cơ sở còn góp phần cùng người dân tạo bản sắc, thương hiệu du lịch cộng đồng phù hợp với từng địa phương, tránh chồng chéo, mà lại nâng cao hiệu quả nhờ tham gia liên kết vùng.
Bên cạnh đó, người dân - chủ thể của loại hình du lịch cộng đồng, hơn ai hết cũng sẽ phải tự mình nâng cao nhận thức, kỹ năng về hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, quan trọng nhất là ý thức về 5 nguyên tắc phát triển du lịch, như: Phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch; gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân tộc; bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng…
Nghị quyết 08-NQ/TƯ (ngày 16-1-2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…”. Rõ ràng, ý thức sâu sắc về điều này, huy động tốt sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch thì mới có thể góp phần đưa hoạt động này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, mang lại cuộc sống chất lượng cho bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.