Hà Nội đầu tư hơn 7.779 tỷ đồng xây dựng đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục
Giao thông - Ngày đăng : 16:13, 09/01/2018
(HNMO) - Chiều 9-1, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Hà đã thông tin về kế hoạch triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Theo Quyết định số 2113/QĐ-TTg ngày 27-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục thuộc nhóm A, với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố Hà Nội và các nguồn vốn hợp pháp khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2017-2020 đã được HĐND thành phố thông qua; địa điểm thực hiện dự án gồm các phường: Ô Chợ Dừa, Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng (quận Đống Đa); Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình).
Quy mô đầu tư: Xây dựng đường theo chỉ giới đường đỏ vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã được cấp thẩm quyền phê duyệt với chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m, diện tích 153.341m2 (bao gồm 2 cầu vượt theo hướng đường vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh); đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan bao gồm vỉa hè phía Nam đường Đê La Thành tại phần dải đất giữa vành đai 1 và đường Đê La Thành đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích 6.083m2. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 7.779 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp 785 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 6.009 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 9 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư gần 31,7 tỷ đồng…
Phố Xã Đàn nằm trên tuyến đường Vành đai I đã được xây dựng. |
Phạm vi chiếm đất của dự án là 159.424m2, trong đó phần đường, hè là 153.341m2 (đất ở của hộ dân 83.708m2; đất cơ quan 15.898,8m2; đường giao thông 53.733,37m2); phần mở rộng về phía Bắc dự án đoạn từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ 6.083m2.
Theo ông Vũ Hà, tổng số các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng là 2.328 hộ (trong đó có 808 hộ thuộc địa bàn quận Đống Đa, 1.520 hộ thuộc địa bàn quận Ba Đình); nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn. Nguồn tái định cư được Sở Xây dựng Hà Nội bố trí từ 5 dự án, gồm: Dự án nhà 30T1-30T2 A14 khu đô thị Nam Trung Yên là 672 căn; dự án khu nhà ở tái định cư tại phường Trung Hòa là 150 căn; dự án tổ hợp nhà ở - trung tâm thương mại - siêu thị và văn phòng gần BigC (Cầu Giấy) 201 căn; dự án xây dựng nhà CT3-CT4 Xuân La-Tây Hồ 960 căn; dự án khu nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an 388 căn. Ngoài ra, đối với khu vực xây dựng 2 cầu vượt có tổng số 305 hộ (chưa gồm đường dẫn) cần bố trí tái định cư với 260 căn.
Ông Vũ Hà cho biết thêm, số thửa đất có hình thể, diện tích không đủ điều kiện cấp phép xây dựng phải hợp khối hoặc thu hồi ngay trong giai đoạn thực hiện dự án là 148 thửa (quận Đống Đa 26 thửa; quận Ba Đình 122 thửa).
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, trong đó: Trình thẩm định dự án trong tháng 1-2018, được duyệt trong quý I/2018 (sau khi hoàn thành thiết kế cơ sở và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư); triển khai GPMB (đo đạc giải thửa, xác định giá đất cụ thể, giá nhà tái định cư…) bắt đầu từ quý I/2018, trong đó tập trung GPMB trước khu vực 2 cầu vượt; triển khai công tác thiết kế từ quý II/2018 để thi công 2 cầu vượt từ quý III/2018.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tuyến đường vành đai 1 là tuyến đường phố chính đô thị, nằm trên trục hướng Đông - Tây thuộc khu vực trung tâm thành phố. Trong những năm qua, Hà Nội đã đầu tư mở rộng tuyến đường theo quy hoạch đoạn từ đê Nguyễn Khoái - Hoàng Cầu. Thời điểm này, việc triển khai tiếp đoạn còn lại Hoàng Cầu - Voi Phục là cần thiết nhằm hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến vành đai 1, phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành; đồng thời giải quyết được vấn đề phát triển đô thị, bao gồm cả phát triển hạ tầng kỹ thuật, làm thay đổi cự ly vận chuyển, tạo lợi ích, giúp tăng trưởng kinh tế do lưu thông hàng hóa nhanh hơn, tạo việc làm cho người lao động, tăng mỹ quan đô thị...