Ông Trầm Bê: “Nói bị cáo cố ý làm trái quy định là không phục”

Pháp luật - Ngày đăng : 18:23, 10/01/2018

(HNMO) - Ngày 10-1, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Sacombank và 44 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.


Trong ngày thứ 3, Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ sai phạm trong việc Sacombank cho 6 công ty của ông Danh vay 1.800 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, tháng 4-2013 bị cáo Danh đến gặp bị cáo Trầm Bê đặt vấn đề vay 2.000 tỷ đồng. Để được chấp thuận, bị cáo Danh sử dụng pháp nhân 6 công ty do mình thành lập, làm báo cáo tài chính khống và lấy tiền của VNCB thế chấp vào Sacombank.

Sau đó, bị cáo Trầm Bê với bị cáo Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank cho bị cáo Danh vay 1.800 tỷ đồng vì đây là mức tối đa bị cáo Trầm Bê được phép phê duyệt mà không phải thông qua HĐQT. Hành vi của bị cáoTrầm Bê đã tạo điều kiện, giúp sức tích cực để bị cáo Danh sử dụng trái phép khoản tiền vay được, gây thiệt hại 1.830 tỷ đồng.

Bị cáo Trầm Bê tại phiên tòa ngày 10-1.


Trả lời trước HĐXX, bị cáo Trầm Bê khai rằng: “Lãnh đạo ngân hàng gặp mặt là làm quen. Khi bị cáo Danh đặt vấn đề xin vay tiền từ 1.300-2000 tỷ đồng. Tôi sẵn sàng đồng ý với điều kiện phải có tài sản đảm bảo”.

HĐXX tiếp tục đặt vấn đề với bị cáo Trầm Bê về việc cho vay thì khách hàng phải có phương án kinh doanh, phương án trả nợ tuy nhiên bị cáo chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo như vậy đã đủ chưa? Bị cáo Trầm Bê trả lời rằng việc cho vay tiền là tùy nhận thức mỗi người.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng cho vay tiền phải tuân thủ quy định về ngân hàng? Về vấn đề này, bị cáo Trầm Bê khai, bị cáo thấy bị cáo Danh có tài sản đảm bảo thì dẫn xuống gặp Phan Huy Khang bởi ông Khang là người nắm nghiệp vụ vững vàng. Sau đó, bị cáo không theo dõi nữa, mọi việc cho vay đã giao cho cấp dưới thực hiện.

Trước tòa, bị cáo Trầm Bê khai nhận đã thấy trách nhiệm của mình nhưng cũng mong HĐXX xem xét lại bởi vì bị cáo không có tư lợi trong việc này. “Bị cáo không cố ý làm trái nên không phục. Bị cáo nghĩ đây chỉ là việc kinh doanh bình thường. Muốn làm ăn thì phải bàn bạc, thỏa thuận thôi”, bị cáo Trầm Bê nói.

Cuối phần thẩm vấn, bị cáo Trầm Bê xin tòa xem xét trả lại căn nhà bị kê biên ở số 591 An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Trước đây vợ chồng bị cáo Trầm Bê ở, nhưng xem lại giấy tờ nhà thì đây là nhà của vợ chồng người chị.

Liên quan đến vụ án tại VNCB số tiền 2.730 tỷ đồng trả cho ông Trần Quý Thanh, bị cáo Danh xin HĐXX để giải trình, nhưng Chủ tọa phiên tòa cắt ngang và nhắc nhở bị cáo Danh và nhận định rằng nằm ngoài phạm vi xét xử.

Cũng trong buổi sáng, bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB là người trả lời đầu tiên. Bị cáo Mai thừa nhận cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là đúng người, đúng tội nhưng xin được trình bày động cơ, thiệt hại và đề xuất một số điểm để khắc phục hậu quả; xin xem xét một số hành vi, một số nhóm lợi ích dẫn đến vì sao bị cáo thực hiện như vậy nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, bị cáo Mai còn khai khi vay tiền từ ba ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank và được 3 ngân hàng này giải ngân hơn 6.126 tỷ đồng, tiền vào tài khoản của Phạm Công Danh và một số tài khoản do ông Danh chỉ định, thì các bị cáo đã dùng 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB; chuyển 600 tỷ đồng cho bà Hứa Thị Phấn; 166 tỷ đồng cho ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát); hơn 23 tỷ đồng chuyển cho bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quý Thanh).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong các phi vụ vay tiền của ông Danh, chỉ có VNCB thiệt hại 6.126 tỷ đồng, 3 ngân hàng cho vay đều không thiệt hại. Ngoài phần vốn, 3 ngân hàng này còn thu lãi hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, dù không thiệt hại nhưng những cá nhân tham gia vào việc cho vay đều bị quy buộc tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Còn đối với 140 người không bị xử lý hình sự nhưng có liên quan đến hành vi phạm tội của ông Phạm Công Danh và các đồng phạm, cáo trạng đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục điều tra công khai tại tòa để làm rõ hành vi vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, nếu có căn cứ thì tiếp tục xử lý nhằm, giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm.

Ngày mai (11-1), phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo.

Thanh Tàu