Ấm tình Tết xa quê

Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 10/01/2018

(HNM) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hàng triệu người lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương đang mong mỏi sẽ có được khoản tiền lương, thưởng kha khá để về quê sum vầy bên gia đình đón Tết.

Nỗi niềm những người ở lại

Trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 12m2, anh Nguyễn Thanh Hải (29 tuổi, quê Thanh Hóa), hiện đang làm công nhân da giày tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã làm việc ở TP Hồ Chí Minh được 4 năm và đó cũng là chừng ấy thời gian anh đón Tết xa nhà, bởi chi phí cho một lần về quê vào dịp Tết tiêu tốn khoảng 2-3 tháng lương. “Những ngày cuối năm cứ nghe tiếng nhạc xuân rộn ràng ở dãy nhà trọ thấy nhớ quê da diết” - anh Hải chia sẻ. Theo anh Hải, với khoản thu nhập hơn 7 triệu đồng (kể cả tăng ca), cuộc sống chi tiêu hằng ngày vốn đã rất eo hẹp nên anh quyết định ở lại để có một khoản tiết kiệm gửi về gia đình.

Một bữa cơm của những lao động có hoàn cảnh khó khăn.


Là một công nhân bao bì tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai), chị Nguyễn Thị Hoa, 33 tuổi, quê ở Quảng Trị chia sẻ, năm nay chị sẽ ở lại đón Tết nơi đất khách quê người, bởi đồng lương quá eo hẹp. Đây là lần đầu tiên chị Hoa xa nhà trong cái Tết sum vầy. “Những ngày cuối năm đi đâu cũng thấy không khí Tết ùa về khiến mình chỉ muốn... khóc. Thực lòng, mỗi lần gọi điện thoại về cho mẹ hỏi thăm sức khỏe, hay mẹ gọi vào hỏi chuyện Tết gần đến mong các con về thì cả hai mẹ con đều khóc. Lúc đó tôi chỉ muốn bỏ hết công việc để về với bố mẹ. Năm nay không được cùng gia đình đón Tết, không được đi chợ sắm Tết cùng mẹ, được tận tay trang trí ngôi nhà, không được cùng bố gói bánh chưng cảm giác cũng buồn!”, chị Hoa giọng nghẹn lại.

Tuy nhiên, chị Hoa và những người ở lại cũng được an ủi, động viên phần nào khi có sự quan tâm, động viên, san sẻ của công ty và những người cùng sống trong dãy nhà trọ. Năm nay, công đoàn công ty thông báo sẽ có những phần quà hỗ trợ, động viên cho những người lao động đón Tết xa quê, tổ chức chương trình vui chơi đón Xuân. “Ở khu nhà trọ, mọi người ở lại đón Tết cũng đã có kế hoạch tổ chức gói bánh chưng và giao lưu văn nghệ vào đêm Giao thừa để phần nào xua đi nỗi nhớ nhà”, chị Hoa cho biết thêm.

Anh Trần Đình Nhật cùng vợ Nguyễn Thị Liên (đều quê Quảng Bình), đang làm công nhân may mặc cho một công ty tư nhân tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) cũng cho biết, lãnh đạo và công đoàn công ty đã thông báo sẽ hỗ trợ một khoản tiền cho các gia đình ở lại đón Tết. Ngoài ra, với thành tích làm việc xuất sắc trong năm qua, anh Nhật còn được công ty thưởng 1 chiếc tivi Samsung 32inch. Với vợ chồng chị Liên, nỗi buồn lớn nhất là phải xa đứa con gái đầu lòng gần 3 tuổi, đang ở cùng ông bà nội ở quê. “Do thu nhập của hai vợ chồng chỉ dư ra được vài triệu đồng/tháng, không đủ để nuôi con ăn học ở đây nên chúng tôi đành chấp nhận gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Thú thực phải xa con, nhất là vào dịp Tết khiến đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ thương con”, chị Liên rơm rớm nước mắt.

Không may mắn như những người lao động trên, anh Lê Thanh Hoàng (36 tuổi, quê Thái Bình) chia sẻ, làm công nhân cả năm trời tại Công ty TNHH Dệt kim Fenix (Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức), nhưng đến những ngày cuối năm 2017, công ty lại tuyên bố phá sản khiến hơn 200 công nhân đang làm việc tại đây điêu đứng. Những ngày này họ không còn tâm trạng nào để lo Tết mà đôn đáo đi kiếm việc mới. “Gần 2 tháng nay, tôi sống bằng đồng tiền ít ỏi từ người vợ bán hủ tiếu. Với tình cảnh bây giờ, tôi phải nhanh chóng kiếm được việc làm mới. Hai đứa con thì gửi ông bà ở quê chăm sóc dù điều kiện cũng chả khấm khá gì. Cứ nghĩ đến đó mà chúng tôi thấy xót xa…” - anh Hoàng buồn bã nói.

Không để người lao động xa quê thiếu Tết

Để bảo đảm mỗi người lao động xa quê đều được đón một cái Tết đầm ấm và trọn vẹn, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố tổ chức chương trình “Tết sum vầy” sôi nổi ở cả 3 cấp công đoàn để chăm lo cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết. Cùng với đó là vận động các nguồn lực xã hội ủng hộ kinh phí tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cấp thành phố năm 2018 họp mặt 600 gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết.

Đối với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm, công đoàn sẽ vận động tìm nguồn hỗ trợ với mức tối thiểu là 500.000 đồng/suất. Đồng thời, tổ chức chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, phấn đấu tặng 37.000 vé tàu, xe cho công nhân lao động về quê đón Tết. Hiện các công đoàn cơ sở đang phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xây dựng phương án trả thưởng Tết cho người lao động, với mức thưởng trung bình là 1 tháng lương.

Tại tỉnh Bình Dương, bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho hay, trọng tâm là chăm lo Tết cho người lao động theo đúng quy định; nắm chắc những doanh nghiệp trốn, nợ lương, giải thể, phá sản, ngưng hoạt động…, để kịp thời kiến nghị với chính quyền, ngành chức năng xem xét, hỗ trợ kịp thời; hỗ trợ vé và xe đưa đón công nhân; trao tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí “Tết sum vầy” cho người lao động xa quê đón Tết… Trong đó, tổ chức chuyến xe “Xuân nghĩa tình” cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, với mức hỗ trợ 100% tiền vé cho 3.800 đoàn viên công đoàn.

Trong khi đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cấp tỉnh tại huyện Nhơn Trạch. Dự kiến sẽ trao 2.000 phần quà (trị giá 500 nghìn đồng/phần) và 500 vé xe cho công nhân ngoại tỉnh về quê đón Tết. Còn các cấp công đoàn chủ động tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, họp mặt, bốc thăm trúng thưởng tại các địa phương, khu công nghiệp, khu nhà trọ, doanh nghiệp; tổ chức bán hàng giảm giá, phiên chợ công nhân..., để mọi đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê, đều được hưởng mùa xuân vui tươi, ấm áp.

Gia Bảo