Trọn vẹn nghĩa tình với người có công

Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 10/01/2018

(HNM) - Đến nay, Hà Nội đã thực hiện tốt Quyết định 49/2015/QĐ-TTg (Quyết định 49) ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Đối tượng được hưởng trợ cấp theo Quyết định 49 đều ở độ tuổi trên 80 nên quá trình giải quyết chế độ, cán bộ chính sách gặp rất nhiều khó khăn. Thượng tá Ngô Quý Tuệ, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì cho biết: “Trên 90% đối tượng thuộc diện kê khai hồ sơ của huyện Ba Vì không còn giấy tờ, trong đó 45% đối tượng đã chết, người thân kê khai hồ sơ không nắm được đầy đủ thông tin khiến việc xác định căn cứ xét duyệt, thẩm định gặp nhiều khó khăn”.

Vướng mắc mà huyện Ba Vì gặp phải tương tự như nhiều địa phương khác. Thượng tá Đặng Văn Diên, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai chia sẻ: “Đối tượng thuộc diện hưởng chế độ này ở Quốc Oai khá đông. Trong khi đó, khó khăn trong khâu xét duyệt là nhiều người không giữ được giấy tờ chứng minh thời gian từng tham gia dân công hỏa tuyến, nhiều người đã chuyển khỏi địa phương”.

Với phương châm phải khắc phục mọi khó khăn để đối tượng chính sách sớm được hưởng chế độ của Đảng và Nhà nước, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 49 của thành phố và các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo cơ quan thường trực là cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong và các cơ quan, đoàn thể bám sát cơ sở, trực tiếp thẩm định, xét duyệt. Ban Chỉ đạo các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các khâu, các bước trong triển khai, tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra được các địa phương thường xuyên thực hiện nhằm phát hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Hội đồng chính sách cấp xã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, tổ chức xét duyệt hồ sơ đúng đối tượng, chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy trình, nguyên tắc.

Với cách làm bài bản và sự tận tình của cán bộ chính sách các địa phương, sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 49, thành phố đã giải quyết cơ bản chế độ, chính sách đối với đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định. Thành phố đã xét duyệt được 10.257 đối tượng, đạt tỷ lệ 78,3%, tổng kinh phí chi trả là hơn 16 tỷ đồng. Cùng với chi trả chế độ trợ cấp một lần, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đăng ký ban đầu cho 1.656 đối tượng, bảo đảm 100% đối tượng khi được hưởng trợ cấp một lần đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Cầm trên tay Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến, ông Lưu Thế Vinh, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) xúc động: “Tôi tham gia vận chuyển lương thực trong kháng chiến, nay được Đảng, Nhà nước quan tâm cho hưởng chế độ. Số tiền hơn 2 triệu đồng tuy không lớn nhưng là sự ghi nhận công sức của tôi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”. Cùng tâm trạng, bà Trần Thị Lan, xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) vui mừng cho biết: “Tôi đã ngoài 80 tuổi còn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhận công sức thời trẻ đóng góp cho kháng chiến nên rất vui”.

Sự phấn khởi, tin tưởng của các đối tượng được nhận trợ cấp chính là nguồn động viên lớn để Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 49 và cán bộ làm chính sách các địa phương tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo. Đại tá Chử Văn Tính, Trưởng phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định: Với phương châm để mọi đối tượng được thụ hưởng đầy đủ, đồng bộ chế độ bảo hiểm y tế, thực hiện chế độ mai táng phí theo quy định, đơn vị phấn đấu từ nay đến hết quý III-2018 sẽ cơ bản hoàn thành việc xét duyệt, chi trả chế độ trợ cấp một lần cho đối tượng dân công hỏa tuyến theo Quyết định 49, không để xảy ra sai sót.

Hiền Phương