Kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm: Vẫn bộc lộ nhiều bất cập
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 10/01/2018
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh nông sản. |
Tăng chi phí
Thực hiện Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT (Thông tư 45) ngày 3-2-2014 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, TP Hà Nội đang gặp một số khó khăn. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng cũng không phát huy tác dụng, bởi cơ quan chuyên môn chỉ xác định nguồn gốc sản phẩm người dân sản xuất, mà chưa kiểm tra được các chỉ tiêu, quy trình sản xuất. Hiện TP Hà Nội có khoảng 5.100ha rau an toàn, nhưng chỉ có 17 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn. Trong năm nay, các cơ sở này sẽ hết hạn sử dụng giấy chứng nhận nên sẽ phải làm thủ tục để được cấp lại làm tăng chi phí...
Ông Tạ Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho rằng: Theo quy định, không được phép xả chất thải từ chăn nuôi xuống ao nuôi thủy sản, nhưng thực tế các hộ nuôi trồng thủy sản vẫn kết hợp mô hình "vườn ao chuồng", nên để sản phẩm bảo đảm theo đúng quy định rất khó. Hầu hết cơ sở không muốn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm vì làm tăng chi phí sản xuất.
Từ thực tế sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết: Việc chứng nhận điều kiện sản xuất rau an toàn thực hiện theo Thông tư 45 không có tác dụng kiểm soát chất lượng và ý nghĩa quảng bá thương hiệu, bởi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ quan tâm tới nguồn gốc là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng còn tồn tại trên sản phẩm. Tuy nhiên, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật có hơn 4.000 tên thương phẩm, nên không thể kiểm soát được các loại hóa chất người dân bón cho rau để phòng trừ sâu bệnh mà còn làm tăng chi phí cho hợp tác xã khi phải xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Tạo thuận lợi cho người sản xuất
Các doanh nghiệp phải gắn logo, mã nhận diện sản phẩm truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm. |
Trước thực trạng trên, ông Ngô Đình Loát, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đề xuất, Bộ NN&PTNT sớm sửa đổi hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thủ tục đánh giá, xếp loại tại Thông tư 45 để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. Các bộ, ngành liên quan xem xét, sớm sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm trên nguyên tắc phân công, phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phù hợp thực tế, quy định rõ ràng, cụ thể hơn, giảm bớt các thủ tục chồng chéo trong quá trình xin cấp phép hoạt động của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Theo ông Ngô Đình Loát, Bộ NN&PTNT nên chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành bộ tiêu chí chuẩn chất lượng an toàn (Bộ tiêu chuẩn hợp quy) để tổ chức, cá nhân căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật để bảo đảm tính chủ động, giảm tối đa chi phí...
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương trên cả nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Phùng Hữu Hào cho biết: Hiện cả nước có hơn 10 triệu hộ gia đình sản xuất nông sản, thực phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ với số lượng nhỏ lẻ, manh mún, nên việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là bước đầu để bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều vướng mắc. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan sửa đổi Thông tư 45 và ban hành hướng dẫn mới trong quý II-2018 để tạo thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh về nông sản thực phẩm an toàn.
Hiện vẫn còn một số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nhưng trà trộn thực phẩm bẩn vào bán ra thị trường. Do đó, để không gây mất niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp phải gắn logo, mã nhận diện sản phẩm truy xuất nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Theo thống kê, toàn TP Hà Nội có gần 14.410 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, trong đó cấp thành phố quản lý 990 cơ sở, còn lại do cấp huyện, cấp xã quản lý. Số cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh gần 4.810 cơ sở, còn lại chưa được cấp phép. Sau 4 năm thực hiện Thông tư 45, thành phố mới cấp được 3.264 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chỉ có 3.093 giấy chứng nhận còn hiệu lực. |