Bài cuối: Cần sự minh bạch, sẻ chia

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 10/01/2018

(HNM) - Để giải quyết những bất đồng, tranh chấp trong quản lý nhà chung cư, thời gian qua, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể và từng bước thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những bất đồng nảy sinh, cùng với nỗ lực của thành phố, rất cần sự hợp tác, chia sẻ của người dân...

Nhiều hướng tháo gỡ bế tắc

Vướng mắc trong quá trình quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư, nếu nhìn sâu về ý thức, trách nhiệm cũng như năng lực của 3 chủ thể là cư dân, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý thì thấy rõ luôn tiềm tàng những vấn đề, mâu thuẫn có thể bùng phát trong thời gian tới. Để giải quyết thấu đáo những bất cập này rất cần sự minh bạch, sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan trên cơ sở một hành lang pháp lý rõ ràng.

Để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý và vận hành các chung cư cần sự hợp tác tích cực của chủ đầu tư và người dân. Ảnh: Viết Thành


Đối với chung cư tái định cư, một trong những hướng đi mà Hà Nội đang triển khai thực hiện là chuyển giao quản lý diện tích công cộng dịch vụ của tòa nhà (trừ các diện tích thuộc sở hữu nhà nước) để các chủ sở hữu tự khai thác trang trải cho chi phí vận hành. Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phối hợp rà soát hồ sơ, tài liệu, thực tế quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất phương án tăng cường quản lý. Cụ thể, thành phố đã giao cho chính quyền quận, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư tái định cư để thành lập ban quản trị theo quy định của Luật Nhà ở và Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ... Thành phố đang xem xét chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành tòa nhà lập và bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị tòa nhà sau khi ban quản trị được thành lập...

Đối với nhà chung cư thương mại, việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% giữa chủ đầu tư và ban quản trị về cơ bản các bên đã và đang thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số chủ đầu tư chưa chấp hành đúng, chậm trễ như cử tri phản ánh (mới có 180 ban quản trị nhận kinh phí bảo trì; số còn lại đang thực hiện quyết toán để thống nhất số liệu trước khi bàn giao...). Mới đây, trả lời câu hỏi cử tri nêu, đại diện UBND thành phố khẳng định rất quan tâm vấn đề này và đã yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn, báo cáo những vấn đề phát sinh nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 28-8-2017, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố để khắc phục những tồn tại, tăng cường trật tự kỷ cương, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Thành phố yêu cầu, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư ngay sau khi đủ điều kiện thành lập ban quản trị và thực hiện bàn giao hồ sơ nhà chung cư, thu và bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho ban quản trị. UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư) thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương trong việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư của chủ đầu tư cho ban quản trị; quyết toán số liệu và bàn giao kinh phí bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị…

Phải có chế tài xử lý nghiêm khắc

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Sở Xây dựng Hà Nội, Phó Giám đốc Nguyễn Chí Dũng đã thông báo những kết quả tích cực trong công tác quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, đối với nhà chung cư tái định cư, Sở đã xây dựng được phương án tăng cường quản lý, hạn chế, khắc phục tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư; nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích kinh doanh dịch vụ tại chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố; trình UBND thành phố quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 19 địa điểm tại tầng 1 nhà chung cư tái định cư.

"Chúng tôi đã đôn đốc và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đến nay đã hoạch định bố trí diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng cho 126/179 tòa nhà chung cư; xác lập sở hữu Nhà nước diện tích kinh doanh dịch vụ tại 93 tòa/117 tòa có diện tích kinh doanh dịch vụ; tổ chức 78 hội nghị nhà chung cư, đã thành lập 228 ban quản trị của 340 tòa nhà chung cư" - ông Nguyễn Chí Dũng thông tin. Được biết, Sở Xây dựng cũng đã hoàn thiện cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo trì, quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư và đã trình thành phố kế hoạch thực hiện cải tạo nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho 150 nhà chung cư tái định cư.

Đối với nhà chung cư thương mại, Sở Xây dựng đã tổ chức họp, hướng dẫn UBND một số quận, chủ đầu tư và ban quản trị để thống nhất hướng giải quyết vướng mắc trong việc bàn giao kinh phí bảo trì 2%, tranh chấp diện tích, trang thiết bị chung - riêng của một số tòa chung cư trên địa bàn; báo cáo Thành ủy về kết quả kiểm tra việc quản lý, vận hành, khai thác thang máy, việc bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng và việc sử dụng các căn hộ tại các nhà chung cư. Đặc biệt, Sở Xây dựng cũng đã tổ chức đội phản ứng nhanh để giải quyết các tranh chấp giữa chủ đầu tư, đơn vị vận hành và ban quản trị.

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư tái định cư để thành lập ban quản trị theo quy định của Luật Nhà ở và Thông tư số 02/2016/TT-BXD là rất cần thiết nhưng trên thực tế vẫn vấp phải sự thiếu hợp tác của một số chủ đầu tư.

Rõ ràng, để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý và vận hành nhà chung cư, nỗ lực của thành phố, chính quyền địa phương là chưa đủ. Cần có sự hỗ trợ, đồng thuận của người dân và hơn hết là sự hợp tác tích cực của chủ đầu tư. Đối với những chủ đầu tư cố tình chây ỳ, bất hợp tác cũng cần xem xét những chế tài xử phạt cụ thể.

Trung Hiếu