Hội nghị tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018
Chính trị - Ngày đăng : 08:46, 10/01/2018
Sáng 10-1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị được thực hiện tại 1 điểm cầu trung tâm và 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.
Hội nghị Tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2017 tại đầu cầu Hà Nội. |
Dự hội nghị, về phía Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội, có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện...
Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội
Theo báo cáo tổng kết năm 2017, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và chỉ đạo nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết định, đề án lớn về công tác dân vận gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, khoá XII). Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác dân vận, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào thi đua yêu nước, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Chính quyền các cấp chú trọng hơn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo”, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội…
Toàn ngành Dân vận tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, chủ động tham mưu cho Trung ương và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tăng cường công tác phối hợp với các tỉnh, thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị…
Những đóng góp của công tác dân vận cùng nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trên cả nước đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội; an ninh – quốc phòng của từng địa phương và cả nước: kinh tế - xã hội đạt 13/13 chỉ tiêu, vượt mức đề ra; công tác đối ngoại được tăng cường; tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017, đã tạo thế và lực cho đất nước...
Bên cạnh những thành quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế của công tác dân vận trong năm 2017. Đó là: Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ dân vận chưa thường xuyên, chưa quyết liệt; một bộ phận cán bộ, lãnh đạo, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên về công tác dân vận; sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, nhất là việc nắm tình hình và phương pháp giải quyết các vụ việc phức tạp phát sinh ở cơ sở; việc xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong các dân tộc còn hạn chế; thông tin, tuyên truyền về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo”... có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ công tác dân vận sẽ tập trung tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu cho Trung ương và các cấp ủy lãnh đạo thực hiện công tác dân vận theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Chủ đề công tác năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền” nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa công tác dân vận của chính quyền, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Trung ương về công tác dân vận.
Giải quyết nhiều “điểm nóng”, đối thoại với dân
Tại hội nghị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Trần Thanh Mẫn báo cáo kết quả công tác dân vận khối MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.
Báo cáo nêu rõ, công tác dân vận khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đạt kết quả cao trên các mặt, góp phần cùng Đảng, Nhà nước triển khai thành công các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân. Hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều nội dung, phương thức đa dạng, phong phú, công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục được triển khai đồng bộ; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm, các điểm nóng được giải quyết, tạo sự đồng thuận xã hội; tiếp tục xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức, tập hợp đoàn viên, hội viên…
Tuy vậy, công tác dân vận của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng còn một số hạn chế như: Thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi còn lúng túng; nhiều “điểm nóng” chưa xử lý kịp thời…
Báo cáo đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, trong đó nổi bật là việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận; chủ động nắm tình hình nhân dân, tổ chức các diễn đàn trao đổi, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước…
Hội nghị cũng lắng nghe nhiều tham luận về công tác dân vận tại các địa phương, các ngành như tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang; Trung tướng Lê Hiền Vân, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình Bùi Văn Tỉnh; Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường… Các tham luận đều nêu bật vai trò quan trọng của công tác dân vận trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, ổn định xã hội của địa phương…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cán bộ cần gần dân, “nói ít làm nhiều”
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đã đạt được của công tác dân vận các cấp, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh quốc phòng, đời sống của nhân dân. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Ban Dân vận Trung ương chọn chủ đề nhiệm vụ năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng, để đạt được điều này là do các cấp đã làm tốt công tác dân vận; thực hiện công tác trọng tâm, trọng điểm của công tác dân vận gắn với phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnhh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; phối hợp công tác của Chính phủ với các tổ chức chính trị, xã hội…
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những hạn chế của công tác dân vận trong năm 2017. Đó là: Việc cụ thể hoá công tác dân vận của Đảng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; trong một số trường hợp, chưa đánh giá, chưa dự báo kịp thời tư tưởng của nhân dân, chậm đổi mới phương thức nội dung hoạt động; một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân chưa được xử lý kịp thời, tính công khai minh bạch còn yếu; một số cán bộ xa dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với dân…
Với trọng tâm năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền”, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành phải có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới nội dung hoạt động trong công tác dân vận; mỗi cán bộ, công chức, đảng viên có trách nhiệm vận động nhân dân, gần gũi nhân dân, “nói ít làm nhiều” để tạo sự tin tưởng cho nhân dân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, gắn với lợi ích của nhân dân. Đi liền với đó là thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, xử lý ngay những vấn đề bức xúc, phức tạp ngay từ cơ sở.
Ban Dân vận các địa phương phải nâng cao hơn nữa công tác phối hợp với các cấp chính quyền; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh công tác hành chính, tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết kiến nghị của nhân dân; đổi mới việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, gây phiên hà cho dân; tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân những vấn đề chưa thông suốt, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, họp báo định kỳ, tiếp nhận thông tin phản hồi của nhân dân...
Tết Mậu Tuất đang đến gần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, công tác dân vận các cấp phải chăm lo nhiều hơn nữa cho người nghèo, người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn để nhân dân cả nước được đón Tết ấm no, tươi vui.
Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Kết thúc Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc thực hiện chủ đề của năm 2018 - “Năm dân vận chính quyền” - sẽ là cơ hội để các cấp, các ngành đánh giá, rút kinh nghiệm theo yêu cầu được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Ban Dân vận các cấp thiết thực triển khai phong trào “Dân vận khéo”, nhân rộng cuộc thi viết về các tấm gương Dân vận khéo, qua đó nêu bật những tấm gương tiêu biểu trong thực hiện phong trào này, góp phần tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân.
Với những thành tích xuất sắc và những đóng góp trong công tác dân vận, tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương đã vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. |