Thị trường ô tô năm 2018: Cuộc chơi của các "ông lớn"
Xe++ - Ngày đăng : 07:22, 11/01/2018
Năm 2018, thị trường ô tô trong nước hứa hẹn nhiều cạnh tranh sôi động. Ảnh: Như Ý |
Đồng loạt giảm giá
Năm 2017 được xem là thời điểm cuối cùng để doanh nghiệp ô tô Việt và khối ngoại chuẩn bị cho một giai đoạn bước ngoặt, trước khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước trong khối ASEAN giảm về 0%. Để kích cầu tiêu dùng, những ngày cuối năm 2017, nhiều hãng ô tô đã đồng loạt đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá. Cụ thể, các mẫu xe bán chạy như Toyota Vios, Ford Ranger, Kia Morning, Mazda... đều được giảm giá từ 20 đến 80 triệu đồng tùy từng mẫu xe, hay phiên bản khác nhau.
Mặc dù kích cầu như vậy, nhưng sức tiêu thụ vẫn không như kỳ vọng. Báo cáo bán hàng mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 11-2017 cho biết, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt hơn 24.500 xe, gồm 12.774 xe du lịch, 10.310 xe thương mại và 1.465 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 6%; xe thương mại tăng 15% và xe chuyên dụng tăng 65% so với tháng trước. Cùng với đó, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 17.697 xe, tăng 14% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.055 xe, tăng 10% so với tháng trước.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhẹ của tháng 11-2017 vẫn chưa giúp thị trường ô tô Việt Nam đạt được kết quả dương so với năm trước. Vì nếu so với cùng kỳ năm 2016, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đã giảm 10%, trong đó xe ô tô du lịch giảm 12%, xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng giảm 15%. Theo ông Nguyễn Huy Hoàn, quản lý gara ô tô Việt Tín (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), sự sụt giảm này là do tâm lý chờ mua xe giá rẻ vào đầu năm 2018. Điều này cũng khiến cho mọi dự báo của các nhà kinh doanh hay hãng về doanh số năm 2017 đều bị sai lệch.
Không nhiều biến động lớn
Do thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% đi kèm lo ngại lượng xe nhập khẩu sẽ ồ ạt tràn vào nước ta trong năm 2018, ngày 17-10-2017, Chính phủ đã ban hành NĐ 116 về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh ô tô áp dụng vào năm 2018. Theo đó, để đáp ứng những điều kiện kinh doanh của nghị định này, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi rất nhiều về chiến lược kinh doanh.
Cụ thể, với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước, doanh nghiệp phải xây dựng đường chạy thử dài tối thiểu 800m, xe phải có chế độ bảo hành tối thiểu 3 năm hoặc 100.000km, hoàn tất các thủ tục theo quy định trong vòng 18 tháng. Đối với xe nhập khẩu, chỉ có doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới được phép nhập khẩu xe ô tô từ năm 2018 gồm: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo đúng tiêu chuẩn (có thể đi thuê), doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất nước ngoài, có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất...
Ngoài ra, ngày 16-11-2017, Chính phủ đã ban hành NĐ125 sửa đổi, bổ sung NĐ số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. NĐ này được cho là dấu chấm hết với ngành ô tô cũ nhập khẩu với mức thuế mới khá cao, thậm chí cao gấp đôi so với hiện nay. Cũng trong NĐ125, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về Việt Nam sẽ về 0% vào 1-1-2018. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, các doanh nghiệp nhập khẩu phải bảo đảm tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ. Trong đó, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO 4 (giai đoạn 2018-2021), mức EURO 5 từ năm 2022 trở đi và đạt đủ sản lượng xe theo quy định...
Như vậy, những chính sách mới này khiến cho ngành Công nghiệp ô tô chỉ còn là cuộc chơi của các “ông lớn” có điều kiện về tài chính và được đầu tư bài bản. Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không thể áp dụng những điều kiện kinh doanh như có cơ sở bảo dưỡng bảo hành, hay giấy chứng nhận chất lượng ô tô từ nhà sản xuất nước ngoài với những xe nhập khẩu. Khi nghị định mới được thông qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đã phải chuyển đổi hình thức kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm chất lượng hơn, các mặt hàng ô tô chính hãng sẽ được bảo đảm.