Thị trường chứng khoán: Sự bứt phá thần kỳ

Tài chính - Ngày đăng : 07:06, 11/01/2018

(HNM) - Sau gần 10 năm loay hoay, từ “đáy” hơn 300 điểm, VN-Index đã bứt phá vượt 1.000 điểm - ngưỡng mơ ước của tất cả các nhà đầu tư...

Năm 2018, thị trường chứng khoán được kỳ vọng có nhiều khởi sắc. Ảnh: Mạnh Hùng


Vượt xa kỳ vọng

Trong những phiên giao dịch đầu năm 2017, giới chuyên gia chỉ dám dự đoán chỉ số VN-Index cao nhất có thể đạt được khoảng 800 điểm, do thị trường chứng khoán trải qua những tháng dài "dậm chân" 500-600 điểm. Nhưng chỉ số VN-Index đã bất ngờ bứt phá "chinh phục" ngưỡng 800 điểm, 900 điểm và tiến tới 1.000 điểm trong những phiên giao dịch cuối năm 2017.

Nhìn lại xa hơn có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu chịu các tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính thế giới từ năm 2008 khi dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút ra. Phải sau 10 năm, ngày 4-12-2017, chỉ số VN-Index mới đạt mức 970 điểm (tăng gần 46% so với ngày 30-12-2016), lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuối năm 2007.

Anh Nguyễn Thanh, nhà đầu tư ở quận Thanh Xuân cho rằng, mốc 1.000 điểm của hiện tại khác với 1.000 điểm của cách đây 10 năm khi quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều. Hơn nữa, với nhiều chính sách vĩ mô quan trọng như cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước, tăng vốn ngành Ngân hàng…, thị trường chứng khoán trở thành công cụ hàng đầu để thực thi chính sách và dẫn vốn cho nền kinh tế. Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3,36 triệu tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Ở quy mô này, thị trường đủ tiêu chuẩn định lượng số doanh nghiệp vốn hóa lớn để sánh vai với các thị trường mới nổi.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016. Hiện có 731 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 679 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt gần 959.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2016.

Trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 26.000 tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, khối ngoại bán ròng gần 7.000 tỷ đồng). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, với khoảng 40 tỷ USD, gần 2 triệu tài khoản. Trên thị trường trái phiếu chính phủ có 612 mã trái phiếu niêm yết, với giá trị 1,015 triệu tỷ đồng, tương đương 23% GDP; thị trường phát triển mạnh về chiều sâu, giá trị giao dịch tăng 72% so với năm 2016 và chiếm 48% tổng giao dịch toàn thị trường trái phiếu.

Đặc biệt, sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh đã tiến thêm một bước quan trọng trong tiến trình hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong vòng 5 tháng, quy mô thị trường chứng khoán phái sinh đã gia tăng theo cấp số nhân. Đến cuối năm 2017, đã có trên 16.300 tài khoản giao dịch phái sinh được mở và quy mô giao dịch bình quân tháng 12-2017 đạt hơn 1.600 tỷ đồng/phiên giá trị danh nghĩa.

Dự báo sẽ "bùng nổ"

Dự báo bất động sản là nhóm ngành thu hút dòng tiền trong năm 2018. Ảnh: Bá Hoạt


Những phiên giao dịch đầu năm 2018, thị trường chứng khoán tiếp tục “bứt phá” để bỏ xa ngưỡng 1.000 điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10-1, chỉ số VN-Index tăng 4,55 điểm (tương đương 0,44%) lên 1.038,11 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0,22 điểm (tương đương 0,22%) đứng ở mức 121,93 điểm. Những cái tên từng được coi là “vua” trên sàn chứng khoán đã có nhiều phiên tăng điểm mạnh, như: VCB, GAS, BVH, SHB, ACB... Trong ngắn hạn, VN-Index được dự báo có thể đạt khoảng 1.035-1.040 điểm.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong cực ngắn, sau đó điều chỉnh và tích lũy, chờ sóng tăng từ quý I-2018. Dự báo 3 nhóm ngành chính thu hút dòng tiền là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Tháng 2, tháng 3 hằng năm là khoảng thời gian doanh nghiệp trả cổ tức, đề ra kế hoạch mới, nên sóng tăng sẽ được trợ lực trong giai đoạn này.

Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong nền kinh tế, dựa trên hiệu quả chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Chính phủ đang triển khai, lạm phát đang được duy trì ở mức thấp, việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2018 là khả thi. Cùng với đó, tiến trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa đang được thực hiện quyết liệt. Mức độ thành công trong lần đấu giá 53% vốn, giá trị gần 5 tỷ USD, của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn vừa qua là minh chứng về sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ và Quốc hội xem xét; sẽ hoàn thiện đề án hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán, tiếp tục các giải pháp tái cơ cấu thị trường; chú trọng việc xây dựng và vận hành các sản phẩm mới trên thị trường…

Nếu năm 2017 được đánh giá là "thần kỳ" với thị trường chứng khoán, thì năm 2018 được nhà đầu tư hy vọng sẽ tiếp tục "bùng nổ". Dự báo, danh mục đầu tư được đánh giá cao trong năm nay sẽ là ngân hàng, chứng khoán, với các mã tiêu biểu như VCB, HCM...; hay nhóm cổ phiếu dầu khí, với các mã PVS, PVD…; cũng như hàng loạt các cuộc phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) lớn của doanh nghiệp dầu khí, như Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)…

Hà Linh