Nhà nông căng mình chống rét

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 12/01/2018

(HNM) - Rét đậm, rét hại kéo dài những ngày qua khiến sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nông dân ngoại thành Hà Nội đang căng mình chống rét cho cây trồng, vật nuôi, giữ nhịp sản xuất...

Nhờ chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội ít bị ảnh hưởng. Ảnh: Hữu Sinh


Rét đậm, nông dân như "ngồi trên đống lửa"

Trên cánh đồng của xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, mặc dù thời tiết rét buốt kèm theo mưa phùn kéo dài nhưng nông dân vẫn cần mẫn chăm sóc rau màu. Chị Lê Thị Thúy, thôn Bái Thượng, cho biết: Đợt rét đậm, rét hại mấy ngày qua đã làm rau màu sinh trưởng chậm lại. Một số cây như bắp cải, súp lơ trồng cách đây 3 tuần chịu ảnh hưởng ít, còn với một số loại rau ăn lá, khi rét kèm theo sương muối, mưa phùn kéo dài nếu không che phủ ni lông sẽ bị thất thu.

Không khí lạnh liên tục tăng cường, nhiều gia đình ở xã Thanh Xuân mấy ngày qua như "ngồi trên đống lửa". Theo chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Bái Thượng, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C như hiện nay, ngay cả các loại rau ưa lạnh như cải ngọt, cải cúc, xà lách, súp lơ..., thời gian sinh trưởng cũng bị kéo dài hơn 10-12 ngày so với thông thường và lá dễ bị dập nát. Vậy nên, mặc dù rét hại nhưng buổi sáng sớm đã phải tưới nước để rửa sương, giữ cho rau đẹp mã.

Thời điểm này, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố cũng căng sức chống rét. Hướng về phía ao nuôi cá của gia đình, anh Bùi Văn Điệp, ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, cho biết: "Để hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại, tại 3 mẫu ao nuôi thủy sản chủ yếu là các loại cá truyền thống, tôi đã áp dụng các biện pháp phòng, chống rét theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn như thả sọt kèm theo rơm rạ xung quanh ao nuôi, tạo nơi cho cá trú ẩn và cho cá ăn vào 10-12h hằng ngày, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên thủy sản sinh trưởng bình thường". Hơn nữa, rút kinh nghiệm từ nhiều năm xảy ra rét đậm, rét hại, gia đình anh Điệp đã trồng một số cây ăn quả, bóng mát để che chắn gió lùa qua ao...

Theo ông Phí Đình Nghi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, rét hại thời điểm này khiến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dễ bùng phát, nhất là dịch lở mồm long móng trên lợn và trâu, bò. "Gia đình đang nuôi 6 con bò sữa, khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, nhất là vào ban đêm, để đàn bò sinh trưởng và chất lượng sữa tốt, tôi đã quây bạt kín cửa chuồng, bảo đảm tránh gió lùa. Ngoài thức ăn là cám thì phải trộn thêm cỏ xanh, rơm khô, ngô nhằm cung cấp đủ năng lượng cho bò chống chịu những đợt rét hại" - ông Nghi nói.

Thông tin từ các địa phương cho thấy, dù chưa có thiệt hại về đàn gia súc, gia cầm do rét nhưng với phương châm phòng hơn chống, nông dân ngoại thành Hà Nội đã và đang tích cực phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Anh Nguyễn Văn Hải, chủ trang trại chăn nuôi, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, cho biết: "Gia đình nuôi lợn với số lượng hàng nghìn con, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán này sẽ cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 100 tấn. Để không xảy ra sự cố lợn ốm chết do rét, các chuồng nuôi đều được che kín xung quanh; bổ sung vitamin tổng hợp, men tiêu hóa trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn...".

Chủ động phòng, chống - Giữ nhịp sản xuất


Nhiều chuồng trại chăn nuôi đã được lắp đặt hệ thống đèn sưởi.


Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết: Toàn huyện có 630ha trồng rau với sản lượng khoảng 800 tấn, 350ha nuôi trồng thủy sản... Huyện đã khuyến cáo người dân khi nhiệt độ xuống dưới 13 độ C không gieo trồng rau xanh. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C thì ngừng cho thủy sản ăn, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm...

Còn tại huyện Ba Vì, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Dần, huyện đã có công văn yêu cầu các xã, hợp tác xã tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ cho cây trồng vụ đông, nhất là thời điểm chuyển rét phải che phủ ni lông những diện tích cây mới gieo trồng. Bên cạnh đó là hướng dẫn nông dân thu hoạch đúng thời vụ để bảo đảm năng suất, chất lượng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin: Các huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi, nhất là đàn trâu, bò, cá giống. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động gia cố, che chắn chuồng trại; yêu cầu người dân dự trữ chất đốt như: Củi, cỏ, cành cây khô để sưởi ấm đàn gia súc những ngày rét đậm, rét hại... Sở NN&PTNT cũng đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn gieo trồng mạ xuân đúng thời vụ, không gieo sớm trước lịch. Sau khi gieo, gặp rét phải chống rét cho mạ bằng tro mục và dùng ni lông trắng che phủ kín mạ...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, rét đậm, rét hại còn kéo dài, nếu các biện pháp phòng, chống không được triển khai tích cực sẽ ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi dẫn đến nguy cơ giảm nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết. Nhằm giữ nhịp sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cường phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Theo đó, các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc rau màu vụ đông; chuẩn bị hạt giống rau các loại, bảo đảm chất lượng để tiếp tục gieo trồng trên diện tích mới thu hoạch càng sớm càng tốt. Không gieo trồng rau màu khi thời tiết còn rét đậm... Hiện chưa có thiệt hại về gia súc, gia cầm, tuy nhiên các địa phương cần theo dõi diễn biến thời tiết để có kế hoạch phòng chống rét cho vật nuôi. Những ngày gió rét dưới 15 độ C nên giữ gia súc ở tại chuồng trại, không chăn thả ngoài đồng. Trường hợp đặc biệt, nếu bắt buộc phải đưa ra gia súc ra ngoài phải bảo đảm sau 8h, khi thời tiết không còn mưa phùn, gió lạnh...

Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn hơi của người dân Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán năm nay khoảng 24.000 tấn; thịt bò 6.153 tấn; thịt gà 6.500 tấn; thủy hải sản 5.500 tấn; rau, củ, quả khoảng 100 nghìn tấn... - tăng nhẹ so với ngày thường. 

Ngọc Quỳnh