Đề nghị thu hồi số tiền 1.700 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV
Pháp luật - Ngày đăng : 19:48, 12/01/2018
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa ngày 12-1. |
Theo cáo trạng, do không có tiền tăng vốn điều lệ, bị cáo Phạm Công Danh đã giao Mai Hữu Khương, nguyên Giám đốc Ngân hàng VNCB chi nhánh Sài Gòn chọn 12 công ty ( do bị cáo Phạm Công Danh thành lập) và nhờ nhân viên, bảo vệ, lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh làm giám đốc đứng tên hồ sơ vay vốn, dùng 3.070 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng BIDV để làm tài sản đảm bảo.
Sau khi được Ngân hàng BIDV chấp nhận giải ngân cho vay 4.700 tỷ đồng, 4.000 tỷ đồng đã được chuyển vào tài khoản Ngân hàng VNCB để tăng vốn. Tuy nhiên sau đó, các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án trả nợ nên ngoài việc phải lấy quyền sử dụng đất thế chấp, Ngân hàng VNCB phải dùng tiền gửi bảo lãnh trả nợ thay, làm thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.
Tại toà, bị cáo Phạm Công Danh khai do bị áp lực từ Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng vốn điều lệ trong khi ngân hàng đang trong tình trạng yếu kém, duy trì được đã khó rồi nên bị cáo mới đi vay.
Toà án yều cầu bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB lên đối chất “có việc Ngân hàng Nhà nước “thúc ép” tăng vốn hay không?”, bị cáo Mai cho biết: “Có việc yêu cầu tăng vốn nhưng dùng từ “thúc ép” là do tự mình hiểu”. Theo bị cáo Mai, việc tăng vốn điều lệ là theo đề án tái cơ cấu ngân hàng. Ông Danh rơi vào tình thế khó xử là tăng vốn điều lệ thì "chết" mà không tăng vốn điều lệ thì phá sản nên đã chọn phương án để có tiền.
Liên quan đến số tiền cho 12 công ty vay, chiều cùng ngày, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã mời điều tra viên vụ án lên hỏi về vấn đề thu hồi thiệt hại. Theo cáo trạng, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên thuộc Phân Ban rủi ro, trên cơ sở các thành viên ban này đồng ý về chủ trương cho 12 công ty của bị cáo Phạm Công Danh vay mua vật liệu xây dựng là 4.700 tỷ đồng và ủy quyền cho 4 chi nhánh ngân hàng là Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn cho vay và thu nợ. Liên quan đến vụ án, hiện Ngân hàng BIDV không thiệt hại gì và đã thu hồi được vốn và lãi. Theo kết luận điều tra, chưa thấy tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Trần Bắc Hà và các thành viên hưởng lợi từ việc cho 12 công ty của bị cáo Phạm Công Danh vay.
Tuy nhiên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thu hồi 1.700 tỷ đồng tiền mà Ngân hàng VNCB thiệt hại liên quan tới việc vay, trả với Ngân hàng BIDV. Lý do, mà Viện Kiểm sát đưa ra đó là tiền tang vật, cần thu hồi cho Ngân hàng VNCB để khắc phục hậu quả. Tại phiên tòa, một điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm cho biết, quá trình điều tra đã xác định số tiền thiệt hại thông qua các khoản vay của bị cáo Phạm Công Danh tại các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank. Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định số tiền này là tang vật vụ án nên phải thu hồi, nhưng không nêu rõ cơ chế thu hồi, cho nên đến nay cơ quan điều tra chưa thực hiện được.
Ngày 13-1, phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo.