Chủ động cho hội nhập
Kinh tế - Ngày đăng : 07:36, 12/01/2018
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua Việt Nam đã hội nhập khá sâu vào đời sống kinh tế quốc tế, từ đó mang lại nhiều thời cơ mới, rộng mở hơn về thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Nhưng, như vậy không có nghĩa là mọi việc đều đang hoặc sẽ tiếp tục hoàn toàn thuận lợi...
Theo đó, nếu thiếu các biện pháp quản lý vĩ mô phù hợp, nhất là về hoàn thiện thể chế kinh tế, tuân thủ các cam kết quốc tế thì không thể tạo ra sự hậu thuẫn đầy đủ cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả với đối tác. Vì vậy, cần xác lập mục tiêu là tăng cường phối hợp một cách đồng bộ, kịp thời giữa các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thường được hưởng ân hạn từ 5 đến 10 năm để cắt giảm thuế so với các đối tác phát triển. Có nghĩa là, ta có thời gian kéo dài đó để chuẩn bị cho cuộc "thi đấu" sòng phẳng trên thị trường chung, rộng mở với các điều kiện như nhau cùng các đối tác lớn, có đẳng cấp hơn hẳn. Rõ ràng, nếu ta không thực hiện tốt mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thì sẽ thua ngay trên sân nhà, chứ chưa nói đến việc vươn ra thị trường thế giới.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2018 sẽ là thời điểm bước ngoặt đối với Việt Nam trong hội nhập, trước hết là với thị trường ASEAN. Cụ thể, chúng ta bắt đầu thực hiện việc cắt giảm 98% biểu thuế như đã cam kết. Vì vậy, bên cạnh việc đàm phán các hiệp định mới, thì công tác điều phối, hợp tác giữa các cơ quan quản lý trong việc thực thi các hiệp định đã ký có ý nghĩa rất thiết thực và đặc biệt quan trọng.
Có thể thấy, với những phân tích trên thì tình hình và mục tiêu đã rõ. Kết quả gặt hái được đến đâu là tùy thuộc vào hiệu quả hợp tác, điều hành từ các cơ quan chức năng cũng như sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của chính cộng đồng doanh nghiệp.