Những việc cần làm ngay
Thể thao - Ngày đăng : 08:10, 13/01/2018
Môn khiêu vũ thể thao đang nở rộ và rất cần có văn bản quản lý để phát triển lành mạnh. Ảnh: Bá Hoạt |
“Cây gậy” cần thiết
Trước năm 2008, khi các cơ sở kinh doanh thể thao chưa phát triển mạnh, nhu cầu phải có văn bản quản lý hoạt động các môn thể thao chưa cao. Nhưng sau đó, các cơ sở kinh doanh thể thao liên tiếp ra đời ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các môn như thể dục thẩm mỹ, bóng đá, bóng bàn, yoga, bơi... Và lúc này, cơ quan quản lý nhà nước đã chú trọng nhiều hơn tới việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý. Trong những năm 2010 và 2011, thông tư quản lý hoạt động của gần 20 môn thể thao đã ra đời, tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép, kiểm tra, thanh tra. Đến năm 2016, Nghị định 106/2016/NĐ-CP “Quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao” của Chính phủ được ban hành, trong đó quy định rõ chức năng của ngành VH-TT&DL trong việc quản lý các môn thể thao. Thực tế đó đòi hỏi ngành VH-TT&DL phải sửa đổi, bổ sung hàng loạt thông tư đã có cũng như xây dựng mới thông tư quản lý hoạt động của một số môn thể thao mới phát triển ở Việt Nam như thể thao mạo hiểm, đua chó, đua ngựa...
Trong năm 2017, Tổng cục TDTT đã hoàn thiện việc sửa đổi và xây dựng mới hơn 20 thông tư quản lý các môn thể thao, trong đó có đua ngựa, đua chó, thể thao mạo hiểm, mô tô nước trên biển, vũ đạo giải trí, võ thuật cổ truyền và Vovinam, dù lượn và diều bay có động cơ, lân sư rồng, khiêu vũ thể thao, thể dục thẩm mỹ, quyền Anh, taekwondo, karatedo, bóng bàn, bóng đá, bơi, quần vợt, cầu lông, judo, bơi - lặn, billiards - snooker… Tuy nhiên, tiến độ hoàn thiện các văn bản này chưa được như ý. Vì vậy, ngay trong 3 tháng đầu năm 2018, Tổng cục TDTT đặt mục tiêu hoàn thành các văn bản quản lý 6 môn thể thao là leo núi thể thao, bắn súng, bóng rổ, wushu, đấu kiếm, bóng ném.
Trong cuộc họp triển khai công tác năm 2018 của Tổng cục TDTT, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện xem đây là nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục TDTT trong năm nay. Theo Bộ trưởng, cần chú trọng tới việc xây dựng nội dung để có được văn bản sát thực tiễn, có giá trị lâu dài. “Việc hoàn thiện văn bản quản lý các môn thể thao phải bảo đảm chất lượng, đúng hạn. Nếu không đúng hạn thì phải trừ thi đua của người thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Rõ ràng, hệ thống thông tư quản lý các môn thể thao sớm được hoàn thiện và ban hành sẽ tạo thuận lợi cho những người thực hiện, vốn đang làm theo các văn bản cũ không còn phù hợp, hoặc đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý một số môn thể thao mới xuất hiện.
Nỗi lo còn đó
Tuy vậy, kể cả khi các thông tư sớm được soạn thảo, sửa đổi, bổ sung và đi vào thực tiễn thì khó khăn vẫn còn. Làm sao có thể giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn bộ cơ sở kinh doanh ở gần 30 môn thể thao một cách hiệu quả với nguồn nhân lực có hạn như hiện nay, khi mà chỉ Thanh tra Bộ VH-TT&DL hoặc Sở VH-TT (có nơi là Sở VH-TT&DL) mới được phép thanh tra, kiểm tra các cơ sở này.
Thực tế cho thấy mối lo trên là có thật. Như tại Hà Nội, nếu muốn thanh tra, kiểm tra hằng năm các cơ sở kinh doanh thể thao, chắc chắn lực lượng phải lên tới hàng trăm người - cao hơn rất nhiều so với số nhân viên Thanh tra Sở VH-TT hiện có. Quân số hạn chế đã đành, Thanh tra Sở VH-TT lại phải kiêm nhiệm cả mảng văn hóa với rất nhiều hạng mục, chuyên ngành.
Lực lượng mỏng thì chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra hạn chế, quyền lợi của người tham gia các môn thể thao bị ảnh hưởng. Ông Phạm Mạnh Hùng, người quản lý hoạt động sân bóng đá quận Ba Đình nói: “Nếu kiểm tra kỹ thì chỉ cần xét hệ thống chiếu sáng mặt sân, khoảng cách tối thiểu từ đường biên của sân đến hàng rào hoặc sân liền kề, sẽ có nhiều sân không đạt yêu cầu. Người chơi sẽ chịu thiệt vì có nguy cơ chấn thương cao hơn, thị lực sa sút khi phải thi đấu trên những mặt sân không đạt tiêu chuẩn, không đủ sáng”.
Thực tế là vậy, nhưng lực lượng thanh tra Sở VH-TT mỏng, chỉ có thể kiểm tra đột xuất ở một số cơ sở. Ông Đinh Văn Luyến - Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở VH-TT Hà Nội) nói: “Cần chia sẻ với lực lượng thanh tra vì họ phải chia năm, xẻ bảy để thực hiện công việc ở cả lĩnh vực văn hóa cũng như thể thao trong khi địa bàn lại rộng, nhiều cơ sở”.
Đã đến lúc cần tìm giải pháp để tăng số người tham gia kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh thể thao. Các liên đoàn, hiệp hội ở từng môn thể thao có thể chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh thể thao. Điều quan trọng là chất lượng nhân sự của các liên đoàn, hiệp hội thể thao thế nào, và cơ quan quản lý nhà nước có thể tin tưởng trao quyền cho các liên đoàn, hiệp hội hay không?...
Đó là những vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, cần phải tìm giải pháp phù hợp nhằm phát huy hiệu lực của các văn bản quản lý ngành.