Khoán xe công: Bao giờ trở thành đại trà?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 13/01/2018

(HNM) - Là địa phương tiên phong thí điểm, từ tháng 3-2017, UBND TP Hà Nội đã quyết định khoán xe công tại 8 đơn vị.

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội là một trong những cơ quan khoán xe công đợt đầu. Ảnh: Bá Hoạt



Ước tính tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng/năm

Ngay sau khi Bộ Tài chính áp dụng khoán xe công cho chức danh Thứ trưởng, UBND TP Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng cơ chế khoán. Theo đó, từ ngày 1-3-2017, các chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác tại 8 cơ quan, đơn vị, gồm: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các quận, huyện:

Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Gia Lâm có thể chọn 1 trong 2 phương án khoán. Phương án 1, khoán kinh phí sử dụng ô tô cho từng chức danh, nhưng không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng. Phương án 2, khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh theo khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng, với đơn giá 13.000 đồng/km. Với việc khoán này, Hà Nội ước tính tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng/năm nếu thực hiện trên toàn thành phố.

Theo tờ trình của UBND thành phố gửi HĐND TP Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2018 mới đây, việc thí điểm khoán xe công đã giúp giảm được 11 lái xe tại 8 cơ quan được giao khoán. Cùng với đó là chi phí "nuôi" xe công, như tiền xăng xe, chi phí bảo dưỡng... cũng được cắt giảm. Nhận xét về hiệu quả khoán xe công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2017, việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công tại 8 đơn vị đã đạt kết quả tích cực. Quý I-2018, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan rà soát việc khoán xe công để đánh giá hiệu quả cụ thể trên thực tế.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, kế hoạch ban đầu là đến tháng 10-2017, TP Hà Nội sẽ triển khai mở rộng khoán xe công trên toàn thành phố. Nhưng do mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 151/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có nội dung liên quan tới quản lý xe công, nên TP Hà Nội tạm thời chưa mở rộng thêm các đơn vị thực hiện khoán xe công để chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Để mở rộng việc khoán xe công trên cả nước, Cục Quản lý công sản đang nghiên cứu một số địa bàn, lĩnh vực hoạt động có thể khoán bắt buộc với chức danh chỉ sử dụng xe đi công tác. Chỉ có cấp sở, quận, huyện trở lên được trang bị 2 xe công, còn cấp thấp hơn vẫn được tiêu chuẩn sử dụng xe nhưng phải nhận kinh phí khoán...



Kinh phí khoán được trả cùng lương tháng

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hiện cả nước có hơn 36.000 xe công. Với kinh phí "nuôi" xe công là 223 triệu đồng/xe/năm, ngân sách tiêu tốn trên 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Theo phương án khoán xe công đối với cấp Thứ trưởng trở xuống đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ, dự kiến sẽ cắt giảm được hơn 3.400 xe và mỗi năm sẽ tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Trước số lượng xe công vẫn còn quá nhiều như hiện nay, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, khoán xe công là việc làm cần thiết, không nên chần chừ thêm. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh phân tích, trước đây việc khoán xe công đã từng được đưa ra thí điểm nhưng với tinh thần tự nguyện, do đó khó triển khai và đi vào bế tắc. Lần này, Bộ Tài chính thực hiện với cơ chế bắt buộc, nên tính chất đã khác với thời gian trước. Đây là việc làm đúng đắn để cụ thể hóa một chủ trương hợp lý, gắn với việc cải cách quản lý, sử dụng tài sản công, mà ở đây là chế độ đối với những cán bộ được hưởng tiêu chuẩn có xe công đưa, đón tại nhà theo quy định. Đặc biệt, việc Bộ Tài chính, cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý chi tiêu công và tài sản công đã nêu gương, đi đầu trong thực hiện cơ chế khoán xe công, sẽ hướng đến việc thay đổi cơ bản tư duy trong quản lý tài sản công cũng như chi tiêu công.

Để cụ thể hóa các quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Liên quan đến việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công, Nghị định 151 đã nêu rõ đối tượng, phương pháp xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công; quy định kinh phí khoán xe công sẽ được thanh toán cùng với việc chi trả tiền lương hằng tháng của các chức danh đủ tiêu chuẩn. Riêng kinh phí khoán xe công trong trường hợp đi công tác được thanh toán cùng với việc thanh toán công tác phí...

Những lợi ích từ việc khoán xe công nhằm hướng tới mục tiêu tiết kiệm ngân sách, giảm gánh nặng chi tiêu trong bối cảnh nguồn thu còn nhiều khó khăn, dành nguồn lực để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đã rõ ràng. Song, việc khoán xe công cũng sẽ khiến một số cá nhân mất đi đặc quyền mà trước đây vẫn được hưởng từ cơ chế cũ. Vì thế, để xóa đi những rào cản làm chậm quá trình mở rộng khoán xe công, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của mỗi bộ, ngành, địa phương và chính những cá nhân đang sử dụng xe công.

Đức Anh