Giải bài toán tận dụng thời cơ
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:09, 14/01/2018
Trong giai đoạn gần đây, vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống - tài nguyên du lịch giàu tiềm năng - cũng được quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn, tại Hà Nội, một loạt kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến làng nghề đã được phê duyệt, triển khai thực hiện thời gian qua, như Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn 2010-2020; Kế hoạch số 235/KH-UBND, ngày 31-12-2015 của UBND TP Hà Nội về thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020; Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…
Từ định hướng chung, nhiều phần việc cụ thể đã được triển khai, như: Dự án về bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu (logo) làng nghề Hà Nội, phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”…
Tựu trung lại, đây là thời điểm quan trọng, là thời cơ để thúc đẩy mối liên kết giữa các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp du lịch lên một tầm mức mới, bài bản, chuyên nghiệp, mang tính cộng sinh, thấu hiểu quyền và trách nhiệm của mỗi bên, thay vì tự phát hoặc chỉ quan tâm tới quyền lợi riêng. Cùng với cơ chế, chính sách phát triển du lịch làng nghề và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của các địa phương nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề, thì khả năng tận dụng thời cơ để phát triển du lịch làng nghề phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực chủ động xích lại gần nhau của cả hai phía.
Ngành Du lịch xây dựng, mở rộng tour, tuyến du lịch chuyên đề về làng nghề hoặc đưa nội dung tham quan làng nghề vào hành trình của du khách; tham vấn cho phía làng nghề về sản phẩm du lịch, kỹ năng phục vụ khách, chuyển ý kiến phản hồi để phía làng nghề có sự điều chỉnh phù hợp... Các làng nghề truyền thống, một mặt nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo mẫu sản phẩm lưu niệm phù hợp với nhu cầu của du khách; mặt khác, căn cứ vào ý kiến phản hồi và sự tư vấn của doanh nghiệp du lịch để xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch…
Lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế, mối liên kết giữa các làng nghề và ngành Du lịch được cho là vẫn lỏng lẻo, tính tự phát khá rõ. Những kết quả đạt được chủ yếu do tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tập trung vào một số ít làng nghề đã được biết đến rộng rãi. Đa số chuyến thăm làng nghề của khách du lịch được ghép với những nội dung khác, chưa rõ tính chuyên đề, tâm lý “hữu xạ tự nhiên hương”, “ngồi chờ khách đến” khá phổ biến… Hạn chế đó không chỉ giới hạn hiệu quả hoạt động du lịch làng nghề, mà còn không giúp làng nghề phát triển thông qua hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”.
Muốn tận dụng thời cơ, tận dụng nguồn tài nguyên quý giá để tạo hiệu quả rõ nét về phát triển du lịch làng nghề, nhất định phải khắc phục những hạn chế nói trên. Điều quan trọng là phải xác định rõ đặc điểm riêng của du lịch làng nghề cũng như tâm lý của khách du lịch để có sự điều chỉnh cần thiết. Về cơ bản, từ phía làng nghề, ít nhất có ba vấn đề cần phải thực hiện trong tương lai gần: Tạo dòng sản phẩm mang đặc trưng của làng nghề và địa phương, phù hợp với khách du lịch (tinh xảo, gọn nhẹ, tính thẩm mỹ cao, giá cả hợp lý); hình thành hệ thống dịch vụ thiết yếu cho du khách trên cơ sở bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu quy trình làm nghề, sở thích tham gia vào quy trình đó bằng cách dành không gian riêng và huy động sự tham gia của đội ngũ nghệ nhân nói riêng và người dân sở tại nói chung.