Đến xứ Phù Tang

Du lịch - Ngày đăng : 18:02, 15/01/2018

(HNMO) - Thêm một lần đến với Nhật Bản để cảm nhận những đức tính tốt đẹp của người Nhật Bản về quy tắc ứng xử, về tính khiêm nhường, về sự tôn trọng người khác và cư xử lịch sự… Tất cả những điều đó đã phá vỡ rào cản về bất đồng ngôn ngữ với những ai từng đến đất nước này...


Tôi đã đôi lần được đến Nhật Bản, nhưng mỗi lần đều có cảm giác mới lạ. Ấn tượng đầu tiên là sự sạch sẽ. Ở Nhật, mọi người dễ nhận thấy mọi ngóc ngách đều rất sạch sẽ, không thấy ai vứt rác ra ngoài đường. Mà lạ, cũng ít thấy thùng rác, trừ các thùng tái chế để đựng chai lọ. Anh hướng dẫn viên của đoàn giải thích, người Nhật đem rác về nhà, hoặc tới nơi cho phép đổ rác. Các trường học thì không thuê lao công mà chính học sinh là người dọn dẹp lớp học, sân trường. Các em được dạy thói quen ngăn nắp từ khi còn rất nhỏ. Người dân tin rằng việc giữ vệ sinh là phạm trù đạo đức chứ không còn là một việc vặt. Do ít có tài nguyên thiên nhiên, người dân tập trung vào việc tiết kiệm và tái chế. Hệ thống phân loại rác của Nhật khá phức tạp và nghiêm ngặt, nhưng được người dân nghiêm túc tuân thủ. Lịch đổ rác của Nhật có theo từng ngày, ví dụ ngày đổ rác thủy tinh, ngày đổ thức ăn thừa, ngày đổ nhựa... để có thể tận dụng tốt nhất các phế thải.

Một điều nữa cũng dễ nhận thấy ở đất nước này, đó là sự tôn trọng người khác. Người Nhật Bản thường hạ giọng xuống khi trả lời điện thoại nơi công cộng, thường là để thông báo đang di chuyển và sẽ gọi lại sau. Các ga tàu cũng có biển báo đề nghị hành khách tắt máy, để im lặng hay hạn chế trả lời điện thoại để tránh làm phiền người bên cạnh. Việc nói to khi trả lời điện thoại cũng bị coi là bất lịch sự.

Điểm du lịch đầu tiên của chúng tôi là ngôi làng Zao Kitsune Mura nằm dưới chân núi Zao tại tỉnh Miyagi- nơi được mệnh danh là “làng hồ ly” có một không hai trên thế giới. Ngôi làng nằm ở phía Tây Nam tỉnh Miyagi, trên vùng cao nguyên dãy núi Zao.

Làng Zao ra đời năm 1990, được xem là nơi bảo tồn của loài cáo, tổng cộng có 6 loại: cáo đỏ, cáo nâu, cáo tuyết, cáo bạch kim, cáo bạc và cáo đen với khoảng 250 cá thể được thả tự do đi lại trong môi trường tự nhiên. Tuy nói là thân thiện nhưng bản chất cáo là loài động vật hoang dã, rất khó thuần phục. Người hướng dẫn viên đưa ra lời khuyên cho chúng tôi là không nên tự tiện chạm vào, đặc biệt trong lúc chúng đang ngủ, dễ làm chúng nổi giận.

Thời gian chúng tôi ở đây đang là tháng 12, nhiệt độ dao động từ -1 độ C đến -8 độ C. Thời tiết lạnh và tuyết khá dày. Thông thường, du khách chọn đi Nhật Bản vào thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau và đi về phía Bắc Nhật Bản để thưởng ngoạn tuyết rơi. Cả một vùng cao nguyên chân núi Zao được tuyết phủ trắng xóa, bám kín, che đi những cành cây đen xù xì trụi lá. Trong màu trắng tinh khôi của tuyết, cảnh vật nên thơ, dịu dàng hơn và lãng mạn như vương quốc tuyết - nơi ở của “Nữ hoàng băng giá”.

Mùa đông Nhật Bản không chỉ để thỏa mãn những bước chân ngao du tìm tới chiêm ngưỡng cảnh sắc độc đáo, khác lạ của tuyết mà còn mang đến trải nghiệm lạnh cóng đến rùng mình.

Cuộc hành trình dẫn chúng tôi đến Công viên Nikko EdoMura, hay còn gọi bằng tên khác là Edo-Wonderland, được xây dựng với mục đích tái tạo lịch sử - văn hóa - con người Nhật Bản thời kì Edo (1600 ~ 1869). Vị trí công viên nằm tại thành phố Nikko, gần Di sản thế giới Nikko Toshogu và sát ngay khu suối nước nóng Kinugawa…

Đến với Edo-Wonderland, chúng tôi như được đi ngược về lịch sử với một con phố tái tạo thời kì Edo. Các chi tiết nhà cửa, đồ dùng, dụng cụ và trang phục hằng ngày được phục dựng công phu, tỉ mỉ… Các hiện vật ở đây tái hiện giai đoạn giữa thời đại Edo từ cuối thế kỉ 17 đến giữa thế kỷ 18, với những con người như trong cổ tích hay phim ảnh bước ra. Hình ảnh xứ Phù Tang thời Mạc Phủ dần hiện rõ. Từ những căn nhà nhỏ ngoại vi thành Edo, đến tòa nhà đồ sộ bằng gỗ, dòng sông và chiếc cầu Nihombashi huyền thoại..., nghe lẫn trong gió núi mùi hương gỗ cũ, mùi trà thơm và bánh ngọt từ những hàng quán bên đường. Sự xuất hiện của các Samurai, hay đặc sắc hơn là màn biểu diễn của các Geisha trong nhà hát, khiến bạn dù không hiểu tiếng Nhật, cũng vẫn bị cuốn vào câu chuyện của các diễn viên tài hoa.

Đúng mồng 1 Tết Dương lịch, chúng tôi có mặt tại Tokyo và cũng như người dân sở tại, chúng tôi đến cầu nguyện tại Asakusa, hay còn gọi là đền Sensoji. Ngôi đền này được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, là một trong những ngôi đền cổ kính nhất hiện nay của Tokyo. Theo truyền thuyết cổ xưa, có hai anh em khi đang đánh cá trên sông Sumida-gawa đã tìm thấy một tượng phật Quan âm vướng vào trong lưới của mình. Mặc dù nhiều lần thả tượng Phật về với dòng sông nhưng bức tượng vẫn quay trở lại với họ. Vị trưởng lão trong làng nhận ra sự linh thiêng của bức tượng nên đã hiến một phần ngôi nhà của mình lập nên ngôi đền nhỏ thờ Phật Quan âm, chính là đền Sensoji ngày nay.

Đêm thứ 4, chúng tôi nghỉ lại một khách sạn khu vực thành phố Fukushima. Tuyết rơi suốt đêm, đối với những người sống ở vùng nhiệt đới như chúng tôi thì còn gì tuyệt hơn khi được vui đùa cùng tuyết, chạm vào từng bông tuyết lửng lơ giữa trời…, nhưng những gì khiến tôi trăn trở suốt đêm khi ở lại Fukushima là sự hồi tưởng về thảm họa sóng thần xảy ra năm 2011 - giữa sự khốc liệt tận cùng, cả thế giới vẫn phải "nghiêng mình" khâm phục tinh thần, ý thức của người dân Nhật Bản với hình ảnh khó quên về một em nhỏ mới chỉ 6 tuổi, nhất định đòi đứng xếp hàng nhận viện trợ mặc dù được ưu tiên lên trước.

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, "sở hữu" tới 10% lượng núi lửa đang hoạt động trên thế giới, Nhật Bản không hề có vị trí địa lý đẹp cho sự phát triển. Gần như bất cứ lúc nào, người dân cũng phải đối mặt với nguy cơ sóng thần, động đất xảy ra. Mỗi năm ở Nhật có tới 1.500 vụ động đất lớn nhỏ khác nhau mà không có một hồi chuông báo trước và để sống sót qua từng ấy thiên tai, người Nhật phải có một phẩm chất nhất định. Có thể nói, Nhật Bản là đất nước dẫn đầu về sự sẵn sàng.

Năm 2011, trận động đất và sóng thần ập vào phía Đông Nhật Bản gây ra cái chết cho hàng chục nghìn người, hàng nghìn người khác bị thương. 125 nghìn công trình lớn nhỏ khác nhau bị phá hủy hoàn toàn, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho nước Nhật. Chính trong thảm họa này, thế giới lại cảm phục người dân Nhật Bản hơn. Tinh thần người Nhật trong hoàn cảnh ngặt nghèo bỗng bừng sáng. Hình ảnh được chia sẻ rộng rãi nhất chính là đoàn xe hơi nối đuôi nhau gọn gàng di tản khỏi khu vực nguy hiểm. Không ồn ào, không náo loạn mà rất trật tự, kể cả khi họ đang sơ tán khỏi khu vực thiên tai chết người.

Người Nhật vẫn luôn nổi tiếng về mặt kỷ cương, rất hiếm quốc gia có được sự nghiêm chỉnh, quy củ như Nhật Bản. Trong các video về thảm họa tự nhiên được trình chiếu, ở cuối video luôn có một câu thế này: "Thảm họa là không thể tránh khỏi nhưng hãy luôn hợp tác và đoàn kết. Đồ cứu trợ chỉ lấy đủ dùng, còn lại dành phần cho người khác". Trong sự kiện Fukushima 2011, chúng ta từng được nghe nhiều câu chuyện về cách mà người Nhật nhường nhịn, giúp đỡ nhau, như một lời nhắc nhở về cách mà dân Nhật đoàn kết, đồng lòng vượt qua thảm họa. Bằng sự đồng lòng ấy, họ tạo nên một nước Nhật đẹp như ngày hôm nay. Còn cái tạo nên người Nhật, có lẽ chính là những thử thách mà "mẹ thiên nhiên" đặt ra, trút lên đảo quốc Đông Á này.

Nước Nhật chắc chắn trong tương lai còn phải chịu rất nhiều trận động đất khác nữa. Nhưng với cách mà người dân Nhật được giáo dục, được tuyên truyền, và cách mà họ đối xử với nhau trong những tình huống tương tự trước đây, sẽ chẳng có thiên tai nào có thể làm khó dân tộc quật cường này.

Thêm một lần đến với Nhật Bản để cảm nhận những đức tính tốt đẹp của người Nhật Bản về quy tắc ứng xử, về tính khiêm nhường, về sự tôn trọng người khác và cư xử lịch sự… Tất cả những điều đó đã phá vỡ rào cản về bất đồng ngôn ngữ với những ai từng đến đất nước này...

Thanh Mai