Cảnh báo những hệ lụy nguy hiểm
Thế giới - Ngày đăng : 07:49, 15/01/2018
Ông chủ Nhà Trắng đưa ra “tối hậu thư” cho việc thay đổi thỏa thuận lịch sử trong vòng 120 ngày. |
Được ký kết năm 2015, nội dung chính của thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) yêu cầu Iran thu hẹp chương trình hạt nhân. Đổi lại, cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này. Đây được xem như một thắng lợi ngoại giao, một dấu ấn đáng nhớ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống D.Trump đã tìm các lý do để có thể đơn phương rút khỏi hoặc hủy bỏ thỏa thuận này.
Theo quan điểm của ông chủ Nhà Trắng, JCPOA không thể ngăn được Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân bất chấp việc Iran được các nước Châu Âu và cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ghi nhận là thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong thỏa thuận. Thậm chí, Tổng thống D.Trump còn cho đây là một tiền lệ vô cùng xấu cho một thỏa thuận tương tự nếu có với Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, về thực chất, đòi hỏi của Tổng thống D.Trump nhằm gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách của mình tại Trung Đông. Điều này sẽ làm yên lòng hai đồng minh khu vực là Israel và Saudi Arabia, vốn quan ngại Iran mở rộng ảnh hưởng tại khu vực thông qua việc can thiệp vào Yemen, Syria và cung cấp vũ khí cho nhóm Hezbollah ở Lebanon... Mặt khác, đây cũng là thời điểm Tổng thống D.Trump muốn thực hiện lời hứa xem xét lại JCPOA trong chiến dịch tranh cử.
Thế nhưng, sự thay đổi của ông chủ Nhà Trắng không chỉ làm Tehran phản ứng gay gắt mà còn đẩy Washington vào thế bất đồng với những nước còn lại cùng ký kết thỏa thuận. Đại diện Anh, Pháp và Đức phản ứng bằng các tuyên bố khẳng định, thỏa thuận trên là lợi ích an ninh quốc gia trong khi Liên minh Châu Âu (EU) nhấn mạnh không một nước nào được quyền chấm dứt văn bản lịch sử với Iran.
Ngày 13-1, trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Mátxcơva đánh giá tuyên bố của Tổng thống Mỹ là cực kỳ tiêu cực, đồng thời cảnh báo nếu Washington rút khỏi thỏa thuận này sẽ là một tính toán sai lầm trong chính sách ngoại giao.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ D.Trump. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với Iran, nếu hủy bỏ văn bản này, Mỹ sẽ tự đẩy mình vào thế bị cô lập, bởi Châu Âu vẫn ủng hộ JCPOA.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành động của Tổng thống D.Trump bên cạnh việc đẩy Mỹ về phía đối lập với nhiều nước đồng minh còn có thể khiến Iran tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu vậy, các cuộc chạy đua vũ trang sẽ ngay lập tức được châm ngòi làm căng thẳng ở Trung Đông gia tăng, đẩy tình hình an ninh khu vực, vốn đã rất phức tạp, đứng trước những mối lo và hệ lụy mới.