TP Hồ Chí Minh: Chấn chỉnh hoạt động cảng, bến thủy nội địa
Kinh tế - Ngày đăng : 08:32, 15/01/2018
Chưa được quy hoạch bài bản
Ghi nhận tại sông Sài Gòn (dưới chân cầu Thủ Thiêm) và sông Giồng Ông Tố (dưới chân cầu Giồng Ông Tố) thuộc quận 2, có 2 bến thủy nội địa phục vụ nhu cầu vận chuyển và cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố. Tại đây, hoạt động khai thác, giao nhận cát sỏi luôn tấp nập trên bến dưới thuyền.
Tương tự, tại quận 9, có hàng chục cảng, bến thủy nội địa, chủ yếu phục vụ nhu cầu khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng, trong đó có thể kể đến như: Phường Phú Hữu có 8 bến; phường Long Trường có 4 bến; phường Trường Thạnh có 10 bến…
Về công năng phục vụ hành khách đi lại, tại vùng ngoại thành có các bến như: Phú Xuân (sông Nhà Bè, huyện Nhà Bè); bến tàu thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ (sông Dần Xây), Tắc Suất (sông Gò Gia, huyện Cần Giờ); bến Khu di tích Bến Dược - Địa đạo Củ Chi (sông Sài Gòn, huyện Củ Chi)…
Một bến cảng thủy nội địa khai thác, chuyên chở vật liệu xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. |
Theo thống kê từ Cảng vụ đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 345 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Theo Thông tư 50/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, quy định việc cấp phép bến thủy nội địa phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hoặc báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng được duyệt và phải nằm trong quy hoạch bến cảng thủy.
Trong khi, từ hàng chục năm nay, hầu hết doanh nghiệp làm cảng sông tại TP Hồ Chí Minh chỉ lợi dụng điều kiện tự nhiên để mở cảng xếp dỡ hàng hóa, không đầu tư xây dựng bài bản theo quy hoạch. Và nếu xét theo quy định trên thì năm 2018 sẽ có 251 cảng, bến thủy nội địa hết hạn giấy phép và sẽ không được cấp giấy phép mới hoạt động.
Thực tế cho thấy, nếu hàng trăm cảng sông ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng nặng nề đến loại hình vận tải đường thủy cũng như thiệt hại cho kinh tế của TP Hồ Chí Minh. Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng quản lý vận tải đường thủy nội địa (Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh), hệ thống cảng, bến thủy nội địa đã đóng góp hiệu quả cho nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng cũng như đưa đón hành khách trên địa bàn thành phố, giảm tải cho giao thông đường bộ, đa dạng hóa các loại hình vận tải. Riêng năm 2017, tại thành phố đã có 23 triệu tấn hàng hóa (tăng 12% so với năm 2016) và xấp xỉ 500 nghìn lượt khách (tăng gần 90%) được vận chuyển qua các cảng, bến thủy nội địa.
Được hoạt động khi đủ tiêu chuẩn
Quận 9 là địa bàn có nhiều cảng, bến thủy nhất nên sẽ ảnh hưởng nặng nhất. Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9. Thời gian tới, UBND quận 9 đề nghị Sở Giao thông - Vận tải rà soát thực tế để tạo điều kiện cấp phép hoạt động đối với các bến thủy nội địa trên địa bàn, đồng thời đề nghị chấm dứt hoạt động đối với bến không phù hợp.
Để tháo gỡ vướng mắc từ Thông tư 50/2014/TT-BGTVT, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, đã kiến nghị UBND thành phố xem xét và chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa trên địa bàn. Sở sẽ phối hợp với UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan xem xét sự phù hợp với các quy định của pháp luật để chấp thuận chủ trương và cấp phép hoạt động bến có thời hạn. Các cảng, bến phải đáp ứng đủ các tiêu chí, như: Bảo đảm cảnh quan, môi trường xung quanh; an toàn giao thông; kết nối với đường bộ; không vướng quy hoạch…
Đối với việc cấp lại giấy phép hoạt động, hiện Sở Giao thông - Vận tải thành phố cấp lại giấy phép với thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm đối với các cảng, bến thủy nội địa đáp ứng đủ điều kiện an toàn và sự đồng ý của chính quyền địa phương. Sau khi dự án quy hoạch mạng lưới cảng bến và đường thủy trên địa bàn thành phố đến năm 2030 được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, Sở sẽ rà soát sự phù hợp với quy hoạch và kiểm tra điều kiện an toàn hoạt động để tiếp tục cấp giấy phép.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa thông báo đến từng chủ khai thác cảng, bến thủy về nội dung trên để có kế hoạch, lộ trình thực hiện trong giai đoạn từ nay đến khi quy hoạch mới được phê duyệt. Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu chủ cảng, bến thủy nghiêm túc chấp hành lệnh tạm ngừng hoạt động đối với các cảng, bến thủy nội địa không bảo đảm điều kiện an toàn và nằm trong quy hoạch di dời, giải tỏa của chính quyền địa phương.
TP Hồ Chí Minh có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với tổng chiều dài trên 1.000km, trong đó có 975km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý. Hiện thành phố có 7 tuyến hàng hải dài gần 160km; 9 tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài hơn 200km; 94 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài hơn 610km và 2 tuyến chuyên dùng. |