Nối dài màu xanh cho thành phố
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 16/01/2018
Thêm 500.000 cây xanh trồng mới
Về trung tâm thành phố qua tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, hay từ Đại lộ Thăng Long, bất cứ ai xa Hà Nội cũng đều cảm nhận rõ sự thay đổi. Dài hơn 10km, con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngập sắc xanh, với 3 tầng cây được quy hoạch có hàng, lối. Đường Võ Chí Công dài hơn 4km đỏ thắm sắc phượng vĩ trong những ngày hè. Còn Đại lộ Thăng Long, với 45.000 cây bóng mát được trồng, chủ yếu là cọ dầu, nối dài cánh rừng từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị quốc gia...
Công nhân trồng cây phong đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Ngọc Thành |
Trong khu vực nội đô, việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ - kỹ thuật đã mang lại diện mạo mới cho đô thị. Những cây cao được cắt tỉa gọn, bảo đảm thẩm mỹ, giảm nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão nhưng vẫn duy trì được bóng mát cho tuyến đường. Những tuyến phố mới, như Lê Trọng Tấn kéo dài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Kim Liên "thay da đổi thịt" nhờ phượng vĩ, bằng lăng bắt đầu đơm hoa, tỏa bóng mát. Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam phấn khởi nhận xét, nhiều con đường khô cằn của Hà Nội đã trở thành những vệt cây xanh tươi mát.
Chia sẻ kết quả đạt được trong năm 2017, ông Vũ Kiên Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Hà Nội đã trồng được gần 500.000 cây xanh. Trong đó, có nhiều chủng loại cây mới, có giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị, như cây sang, hoa ban, chà là, cọ dầu, bàng lá nhỏ, chiêu liêu, long não, giáng hương… được trồng trên 120 tuyến phố, tuyến đường của Thủ đô. Một số tuyến đường, phố có hệ thống cây được trồng mới và trồng bổ sung, hoàn thiện là: Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, khu vực Công viên Lênin, đường Hoàng Văn Thụ...
Hà Nội trồng cây phong lá đỏ
Bước vào năm 2018, theo ông Vũ Kiên Trung, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ thành lập bộ phận chuyên trách tuyển chọn cây trong cả nước và khu vực, chọn lựa các cây đô thị đẹp, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội để trồng, thuần hóa. Cùng với đó, công tác quản lý cây xanh sẽ được tăng cường, như xây dựng hệ thống định vị, số hóa và lập lý lịch cho từng cây.
Tại hội thảo khoa học "Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị" do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam vừa phối hợp tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc phát triển cây xanh - mặt nước là một ngành kinh tế, nếu làm tốt sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm. Hiện ở Việt Nam có nhiều viện nghiên cứu, tạo ra các giống hoa, giống cây vốn chỉ có ở vùng khí hậu ôn đới, để trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới như Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, về lâu dài, để chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020 đạt hiệu quả, thành phố sẽ phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như xây dựng vườn ươm ở Đan Phượng để nghiên cứu lai tạo các giống cây, hoa mới; tiếp tục nghiên cứu chỉnh trang, cắt tỉa toàn bộ cây xanh hiện có nhằm tăng mỹ quan cho thành phố và bảo đảm an toàn giao thông.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một số chuyên gia, tỷ lệ đất cây xanh, mặt nước, công viên ở Hà Nội so với quy chuẩn, tiêu chuẩn vẫn còn thấp. Đề xuất giải pháp cho thành phố, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho rằng, quy hoạch cây xanh phải được thành phố xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hà Nội cần gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị, để tạo nét đặc trưng tại các tuyến phố trung tâm, trục giao thông chính hoặc các khu đô thị mới.