Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để phát triển bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 07:03, 16/01/2018
Cần thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD
Tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành Công Thương, lãnh đạo Bộ cho biết, năm 2017, sản xuất công nghiệp và thương mại có sự chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so với năm 2016, cao hơn hẳn so với chỉ tiêu kế hoạch là 7,1-8%. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 14,5% và trở thành động lực chính của sản xuất công nghiệp. Năm 2017 cũng là năm thành công của xuất khẩu, với tổng kim ngạch đạt hơn 213 tỷ USD, tăng 21% và dẫn đến kết quả xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường trong nước diễn ra khá sôi động và ổn định, cung - cầu được bảo đảm. 675 điều kiện đầu tư - kinh doanh không còn phù hợp được cắt giảm; 420 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan được xóa bỏ, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: TTXVN |
Năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngành phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% và tỷ lệ nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10-10,5%. Bộ sẽ triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu ngành; rà soát, cân đối tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân; xử lý căn bản các tồn tại, hạn chế tại các dự án chậm tiến độ; tập trung xử lý các tồn tại trong xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp....
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kết quả ngành Công Thương đạt được là thắng lợi toàn diện, xuất sắc. Đặc biệt, kết quả xuất khẩu và tăng trưởng công nghiệp góp phần thiết thực vào tăng trưởng GDP. Theo Thủ tướng, thực tế cho thấy, đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, giàu tiềm năng, thành công trong kinh doanh và có uy tín. Bộ cần tổng kết, rút kinh nghiệm, nhận diện nguyên nhân thành công để phát huy trong thời gian tới....
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2018 cần có thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, kết hợp với việc ổn định và làm chủ thị trường nội địa; không để doanh nghiệp trong nước thua trên "sân nhà"; tăng cường đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ngành Công Thương cũng cần khắc phục các tồn tại, như năng suất lao động còn thấp, cơ cấu chậm chuyển dịch, giá trị gia tăng còn hạn chế, chất lượng quy hoạch chưa cao... Muốn làm được điều đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tập thể lãnh đạo, người lao động ngành Công Thương phải vượt lên chính mình, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tái cơ cấu mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, mà trường hợp thành công của Sabeco là một minh chứng cụ thể...
Phải làm tốt công tác tham mưu để bảo đảm phát triển bền vững
Tại hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2017 nền kinh tế đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả ấn tượng, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ. Niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào môi trường và tương lai kinh doanh được củng cố, nâng lên một bước. Đặc biệt, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện nhanh và trở thành tác nhân hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trên cả nước.
Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, giám sát và tham mưu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành tựu kinh tế năm 2017 đạt được, trước hết là nhờ sự quyết chí, chung sức của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực tế cho thấy, Bộ đã vượt qua nhiều bất lợi, khó khăn, phát huy tinh thần đổi mới và trách nhiệm, chủ động vào cuộc và thu được kết quả đáng ghi nhận trong việc bãi bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Thời gian tới, Bộ cần theo sát diễn biến, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đề xuất tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần phân tích, làm rõ diễn biến nền kinh tế, làm tốt công tác tham mưu để bảo đảm phát triển bền vững, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu hài hòa giữa phát triển kinh tế và lợi ích xã hội. Các nguồn lực xã hội phải được giải phóng, tạo điều kiện phát huy tối đa, hướng tới việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, cần có cơ chế phù hợp để huy động, sử dụng vốn đầu tư theo chủ trương xã hội hóa, nhất là hình thức hợp tác công - tư.
Thủ tướng nhắc nhở trong công tác quản lý đầu tư công, cần tập trung nhằm giảm nguy cơ thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Thời gian tới cần tập trung rà soát, tăng hiệu quả quản lý, tinh thần trách nhiệm của Bộ và tập thể lãnh đạo...; phối hợp với các đơn vị nghiên cứu huy động vốn đầu tư một số công trình quan trọng như Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam... theo tinh thần tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ, công tâm. Ngoài ra, Bộ phải tập trung rà soát, phát hiện biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực để xử lý nghiêm; hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa bộ máy chuyên môn, nghiêm túc chấp hành pháp luật, với tinh thần: Kỷ cương, liêm chính, hiệu quả...