Bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 17/01/2018
Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân
Thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn TP Hà Nội đã thể hiện bằng việc tổng hợp, phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đều phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, nhất là những vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Cán bộ MTTQ giám sát chất lượng thi công công trình hạ tầng thoát nước tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Thái Hiền |
Điểm nhấn trong năm 2017 là, trước kỳ họp thứ tư, thứ năm của HĐND thành phố khóa XV, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức 4 hội nghị phản biện 4 nội dung UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp. Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã tổ chức phản biện xã hội 30 nội dung và cấp xã, phường, thị trấn thực hiện 434 nội dung. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là việc thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội ban hành “Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố” được triển khai hiệu quả. Đã có 26/30 quận, huyện, thị xã và 80% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn.
Việc thực hiện Quy chế đã tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy trong thực hiện Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền". Đặc biệt, việc tiếp xúc, đối thoại đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và nhất quán trong toàn hệ thống chính trị thành phố. Qua đó, MTTQ các cấp đã đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét nhiều đề xuất, kiến nghị của nhân dân.
Nhân dân phát huy quyền làm chủ
Cùng với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Thị Ưng cho biết, các ban Thanh tra nhân dân của phường đã giám sát 427 công trình xây dựng, vừa phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, vừa góp phần nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vật Lại (huyện Ba Vì) Phùng Xuân Hoan, cán bộ MTTQ đã cùng người dân giám sát 5 công trình có vốn đầu tư của Nhà nước, phát hiện sai phạm và kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét xử lý.
Thống kê trong năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương giám sát được gần 18 nghìn cuộc, phát hiện 2.460 vụ vi phạm, kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết 2.356 vụ, kiến nghị thu hồi 11.132m2 đất.
Tuy đạt kết quả đáng ghi nhận, song việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQ có nơi, có lúc vẫn chưa thể hiện đầy đủ. Ông Phạm Văn Nhâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) chia sẻ: Công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án ở nhiều nơi chưa bảo đảm tiến độ, bởi người dân không được tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ thông tin liên quan. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Cống Vị (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Hà thì cho rằng, công tác giám sát của mặt trận vẫn chưa thể hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân, chưa tập hợp, phát huy vai trò của tổ chức thành viên tham gia giám sát, còn tình trạng ngại va chạm với cơ quan nhà nước.
Với vai trò cầu nối Đảng với nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đặc biệt chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của nhân dân. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định: “Để mặt trận thực sự thấu hiểu người dân, tạo được niềm tin với nhân dân, chúng tôi sẽ hướng hoạt động về cơ sở, cùng với chính quyền đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Mặt trận sẽ thông báo với chính quyền về các mặt đời sống dân sinh, những tâm tư, nguyện vọng của người dân để chính quyền nắm được và đưa ra biện pháp tháo gỡ, giúp nhân dân có cuộc sống tốt hơn”.