Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác lao động-người có công và xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 08:31, 17/01/2018

(HNMO) - Ngày 17-1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động-người có công và xã hội năm 2018.


Tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết và triển khai nhiệm vụ công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại điểm cầu Hà Nội.


Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.


Hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực như: Trọng thể kỷ năm 70 Ngày Thương binh-Liệt sĩ; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo) đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội giao. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; lao động đã qua đào tạo có sự gia tăng nhanh hơn của nhóm có trình độ sơ cấp nghề và đại học trở lên; ước cả năm tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cuối năm 2017 giảm xuống còn dưới 7%, giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016.

Các lĩnh vực của ngành có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2016, cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó lần đầu tiên đưa hơn 130 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào thị trường có thu nhập cao.

An sinh xã hội được bảo đảm, giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”; công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo…

Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá, đổi mới giáo dục nghề nghiệp còn chậm, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp của các trường gặp nhiều khó khăn; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lúng túng trong việc chuyển đổi chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Hệ thống thông tin thị trường còn bất cập, mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức còn lớn, năng suất lao động thấp. Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội còn bất cập. Đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là đối tượng bảo trợ xã hội…

 Hà Nội đề nghị nâng mức trợ cấp đối với người có công 

Năm 2018, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế -xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cải thiện, nâng cao mức sống cho người có công; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm trợ giúp có hiệu quả cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống.

Để thực hiện được mục tiêu và các chỉ tiêu, ngành đưa ra ba nhóm giải pháp. Đó là, hoàn thiện thể chế, hoàn thành Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Cải cách hành chính; sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; hợp tác quốc tế và thông tin, tuyên truyền.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, năm 2017, thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo cũng như bố trí nguồn lực, để triển khai toàn diện các nhiệm vụ đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra như: Giải quyết việc làm cho 152.000 người, đạt 100% kế hoạch; tổ chức 213 phiên giao dịch việc làm với 5.700 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia, với 80 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, 23 nghìn lao động được tuyển dụng; tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 4,22% năm 2016 xuống còn 3,12%; tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 60,66%... 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương nghiên cứu nâng mức trợ cấp đối với người có công với cách mạng; giải quyết chế độ cho những trường hợp thương binh, đồng thời là bệnh binh hoặc nghỉ mất sức lao động có thời gian tham gia quân đội dưới 15 năm hoặc có thời gian tham gia công tác ngoài quân đội dưới 20 năm được hưởng trợ cấp thương tật. Bộ Lao động Thương bình và Xã hội, Bộ Tài chính sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá làm cơ sở để tính giá dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện tại các cơ sở trợ giúp xã hội…(xem chi tiết tại đây)

Cần lập dự án nghiên cứu dự báo lao động, ngành nghề


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, bên cạnh những thành tích đã đạt được, nhìn chung thu nhập bình quân của người dân còn thấp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm cao, năng suất lao động thấp...

Bên cạnh đó, ở một số địa phương, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn do thiên tai, tỷ lệ hộ nghèo còn cao trên 60%, việc xoá khoảng cách giàu nghèo cũng là một vấn đề cần quan tâm. Tệ nạn ma tuý, mại dâm diễn biến phức tạp, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn còn xảy ra...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ LĐ,TB&XH lập kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra ngay từ đầu năm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương. Cần tính toán kỹ, đảm bảo thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Làm sao tạo ra môi trường đào tạo nghề chất lượng, để tỷ lệ lao động có nghề cao hơn.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần nâng cao tính tự chủ của từng địa phương trong việc quy hoạch phát triển nghề sao cho phù hợp. Hỗ trợ đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho vùng nông thôn, giáo dục đào tạo cho thanh niên nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý, Bộ LĐ,TB&XH phải lập dự án nghiên cứu dự báo lao động, ngành nghề để phù hợp với dự án ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về đào tạo để phù hợp với nhu cầu người lao động.

Yêu cầu Bộ LĐ,TB&XH cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước. Thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công. Hỗ trợ cho người dân thoát nghèo nhất là vùng dân tộc miền núi, thiểu số. Xây dựng môi trường sống an toàn lành mạnh, có các biện pháp phòng ngừa bạo lực, bạo hành trẻ em.

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và cho biết ngay sau hội nghị, Bộ và các sở sẽ cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng bằng những công việc cụ thể để triển khai ngay từ những tháng đầu năm 2018.

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, năm 2018, năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, toàn ngành LĐ,TB&XH phải nỗ lực hơn nữa, kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2017; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, phát huy tinh thần quyết liệt trong công việc, nói đi đôi với hành động...

Năm 2018, ngành Lao động Thương binh và Xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao chỉ tiêu: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58-60% (trong đó, có bằng/chứng chỉ là 23-23,5%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,3%; trong đó, bình quân các huyện nghèo giảm trên 4%. 

Chỉ tiêu, kế hoạch của ngành là: Giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người lao động; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 26,5-28%; 99% số hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, 98,5% số xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; 100% số đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…


T.Minh - N.Hương