Trẻ ùn ùn nhập viện vì cúm
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:37, 18/01/2018
Ảnh minh họa: Internet |
Theo các bác sĩ, khi mắc cúm mùa, thông thường trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng hai tuần qua, số trẻ bị cúm phải nhập viện điều trị tăng cao do mắc một số chủng cúm nặng hoặc mắc cúm trên nền bệnh khác, có nhiều trẻ hay bị viêm đường hô hấp nên khi mắc cúm sẽ bị nặng, điển hình là viêm phổi.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đối với trẻ khỏe mạnh bình thường cũng có những vi khuẩn cư trú ở hầu họng. Khi mắc cúm niêm mạc đường hô hấp ít nhiều có tổn thương. Nếu chúng ta chăm sóc không cẩn thận, không sạch sẽ thì có nguy cơ xâm nhập vào cơ thể trẻ, gây bệnh.
Các triệu chứng điển hình khi mắc cúm gồm: sốt cao liên tục, không đáp ứng nhiều với thuốc hạ sốt kèm theo hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, một số có biểu hiện viêm phế quản. |
Sốt cao, không đáp ứng với uống thuốc giảm sốt, thậm chí có trẻ bị co giật, viêm mũi, ho nhiều khiến trẻ chảy máu mũi, đau họng, mệt lả kèm theo các bệnh lý khác là những triệu chứng của gần 30 trẻ đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương. Đây là những trường hợp mắc các chủng cúm nặng, nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác như hen phế quản mới phải nhập viện.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Hải, khi trẻ được chẩn đoán mắc cúm thông thường, không nhất thiết phải nhập viện mà có thể chăm sóc tại nhà.
Nếu chúng ta chăm sóc trẻ tốt, thường trẻ bị cúm sẽ không bội nhiễm thêm vi khuẩn thì sẽ không phải sử dụng thêm kháng sinh, bởi vì về bản chất thuốc kháng sinh vừa không có tác dụng đối với các loại virus gây bệnh cúm vừa khiến cho trẻ dễ dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.
"Với trường hợp mắc một số chủng cúm nặng, nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác ví dụ hen phế quản, thì gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và quyết định cho trẻ nhập viện hay không. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dùng thuốc phù hợp”- bác sĩ Hải nói.