Thông điệp cứng rắn
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 18/01/2018
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc, vốn được coi là nhân tố then chốt trong các giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên lại vắng mặt tại sự kiện này. Tại hội nghị, các nước tham dự đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh hơn để gia tăng sức ép, trong lúc vẫn duy trì thực thi các chế tài hiện có, để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ liên Triều đang có những chuyển biến tích cực với việc hai bên nối lại đàm phán cấp cao sau 2 năm gián đoạn. Triều Tiên cũng dự kiến sẽ cử đoàn vận động viên, đội cổ vũ và đội biểu diễn nghệ thuật tham gia Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 2 tới. Dù vậy, các quan chức ngoại giao tham gia hội nghị lập luận, cộng đồng quốc tế vẫn cần duy trì áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, việc Triều Tiên tham gia đối thoại là minh chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đang mang lại hiệu quả và điều cần làm là duy trì các biện pháp đó một cách đồng bộ.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, 20 nước tham dự hội nghị đã nhất trí sẽ tiến hành các biện pháp trên biển nghiêm ngặt hơn để đề phòng Triều Tiên tránh né các lệnh trừng phạt bằng các hình thức không phù hợp. Washington khẳng định không muốn can thiệp vào các hoạt động vận chuyển hợp pháp, song cần ngăn chặn hành vi chuyển hàng giữa các tàu thuyền với nhau trên biển để “lách luật”.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết, các nước đang cân nhắc biện pháp trừng phạt đơn phương nằm ngoài các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị tại Vancouver, Ngoại trưởng Tillerson và người đồng cấp Freeland nhấn mạnh, các nước sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Hội nghị cũng cam kết ủng hộ các cuộc đối thoại liên Triều đang diễn ra và bày tỏ hy vọng hoạt động này sẽ góp phần làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Các bên cũng nhấn mạnh nhu cầu duy trì nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ cũng bác bỏ ý kiến của Bắc Kinh và Mátxcơva đề nghị Bình Nhưỡng ngừng các chương trình vũ khí và hạt nhân để đổi lại việc Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung.
Tuy vậy, trước thềm hội nghị diễn ra tại Vancouver, các quan chức ngoại giao đã thừa nhận rằng, kết quả đạt được sẽ chỉ mang tính tạm thời và không toàn diện khi không có sự tham dự của đại diện Nga và Trung Quốc. Hai nước này đều cho rằng, hội nghị quá tập trung vào các biện pháp trừng phạt mà coi nhẹ hoạt động đối thoại, gây ảnh hưởng tới triển vọng hòa bình đang được thúc đẩy trên bán đảo Triều Tiên.
Việc tổ chức một hội nghị về an ninh trên bán đảo Triều Tiên cho thấy mối quan ngại của thế giới về tình trạng căng thẳng thời gian qua cũng như tầm quan trọng của việc duy trì ổn định tại đây đối với an ninh toàn cầu. Rất khó để kỳ vọng vào một giải pháp toàn diện cho bất đồng sâu sắc giữa hai miền Triều Tiên cũng như giữa Bình Nhưỡng và Washington chỉ trong khuôn khổ một hội nghị. Tuy nhiên, dù thế nào thì thúc đẩy đối thoại vẫn là cần thiết để giúp từng bước hóa giải những khác biệt và khôi phục lòng tin lẫn nhau giữa các bên, điều sẽ dẫn tới nền hòa bình lâu dài tại Đông Bắc Á.