Cảnh giác với tín dụng “đen”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:33, 18/01/2018
Quảng cáo “tín dụng đen” dán khắp nơi. |
Tiềm ẩn phức tạp
Tháng 11-2017, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ Hứa Văn Huyên (sinh năm 1976, trú ở quận Hai Bà Trưng) và Hoàng Văn Hưng (sinh năm 1984, quê ở tỉnh Quảng Ninh) về hành vi “Hủy hoại tài sản”. Huyên và Hưng là hai đối tượng đã ném chất bẩn vào cửa hàng kinh doanh quần áo tại phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm) để “khủng bố” tinh thần nhằm mục đích đòi nợ, gây thiệt hại về tài sản lên tới khoảng 300 triệu đồng. Tiếp đó, tháng 12-2017, Công an quận Hoàn Kiếm tiếp tục bắt giữ nhóm đối tượng do Bùi Tuấn Anh (sinh năm 1979) và Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1986, cùng trú ở quận Hoàn Kiếm) cầm đầu đã có hành vi ném chất bẩn, đập phá đồ đạc tại quán ăn trên phố Hàng Vôi (quận Hoàn Kiếm) để đòi khoản nợ khoảng 50 triệu đồng.
Đây là hai trong số những vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” được Công an TP Hà Nội khám phá trong thời gian ngắn. Và càng gần đến Tết Nguyên đán, loại tội phạm này càng có chiều hướng gia tăng, hoạt động bán công khai. Tại một số tuyến đường phố trên địa bàn các quận: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông… có rất nhiều tờ rơi, quảng cáo cho vay tín dụng được dán trên tường nhà dân.
Thậm chí, ngay sau khi người dân bóc gỡ thì tiếp tục xuất hiện những quảng cáo với nội dung “cho vay tín dụng” được sơn thẳng lên tường, cột điện. Chưa kể, chỉ cần nhập từ khóa “cho vay tín chấp” trên mạng xã hội Facebook, hàng chục trang có nội dung “cho vay” hiện ra...
Theo Thiếu tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm), có nhiều nguyên nhân khiến cho công tác điều tra, xử lý các đối tượng hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi gặp khó. Trong đó có nguyên nhân, phạm vi hoạt động của các đối tượng không giới hạn, phủ rộng địa bàn các quận, huyện. Quá trình tiếp cận, thu thập thông tin về các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cũng gặp khó khăn, nhất là khi các đối tượng nhằm vào người thân của người vay tiền để đòi nợ, bản thân người vay tiền vì sợ hãi nên đã đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan công an khó tiếp cận được những người vay tiền để thu thập thông tin điều tra.
Đồng thời, một số đối tượng hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi rất am hiểu về pháp luật nên gây ra thiệt hại có mức độ. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự, thiệt hại phải từ 2 triệu đồng trở lên thì mới có thể xử lý hình sự, còn dưới 2 triệu đồng chỉ bị xử phạt hành chính và bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại xảy ra.
Không để sót, lọt đối tượng nào
Thống kê sau hơn một năm thực hiện Kế hoạch 231/KH-CAHN-PV11 ngày 25-8-2016 về “Tổ chức điều tra cơ bản, công tác quản lý về an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính”, các đơn vị thuộc Công an thành phố đã phát hiện 443 vụ việc có liên quan đến các hoạt động kinh doanh tài chính. Trong đó, đã khởi tố 63 vụ, bắt 124 đối tượng phạm pháp hình sự, phá 8 ổ nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, bắt 33 đối tượng. Bên cạnh đó, các đơn vị đã phát hiện, xử lý hành chính 25 vụ với 29 đối tượng về hành vi xâm hại sức khỏe người khác, gây rối trật tự công cộng.
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) cho biết, hoạt động của một số loại tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi thường có dấu hiệu tăng trong dịp Tết. Nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã đề xuất Ban Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác điều tra cơ bản, quản lý các loại đối tượng; không để sót, lọt bất kỳ đối tượng, tổ chức, nhất là những đối tượng hoạt động đòi nợ thuê liên quan đến tín dụng “đen”.
Triển khai đợt cao điểm bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã yêu cầu công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, hoạt động có tổ chức kiểu xã hội đen, núp bóng doanh nghiệp để bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, các đơn vị phải lập hồ sơ tất cả những đối tượng, ổ nhóm nghi vấn, gọi hỏi những đối tượng nằm trong diện trên để răn đe, phòng ngừa, yêu cầu cam kết không vi phạm.
Đồng thời, Công an thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, về tác hại của tín dụng “đen”. Qua đó giúp người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi của tội phạm.