Hạn chế tai nạn lao động: Trách nhiệm không của riêng ai!
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 19/01/2018
Tăng ca - tăng nguy cơ tai nạn
Năm 2017, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 29 vụ tai nạn lao động làm chết 32 người, bị thương 4 người. Số vụ tai nạn lao động trong những tháng cuối năm thường tăng khoảng 20% so với bình thường.
Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), anh Lê Quý Th. (28 tuổi, ở Thanh Hóa) vừa trải qua ca phẫu thuật cột sống sau khi bị ngã từ giàn giáo xuống. Anh Th. kể: “Cuối năm, nhà nông hết việc. Cách đây nửa tháng tôi ra Hà Nội tìm việc, vừa nhận làm thợ phụ cho một công trình xây dựng thì bị tai nạn”.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chăm sóc cho bệnh nhân Bùi Văn Đ. (32 tuổi, ở Hưng Yên). Ảnh: Xuân Lộc |
Tai nạn lao động khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Như anh Nguyễn Văn C. (32 tuổi, ở Bắc Giang) nhập viện từ gần 1 tháng trước, đã trải qua hai cuộc phẫu thuật nhưng đến nay vẫn chưa thể đi lại được. Anh C. làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất bao bì. Những tháng cuối năm, việc nhiều, công nhân phải tăng ca. Không may, trong lúc làm việc, anh bị máy ép thủy lực tác động vào lưng làm trật khớp cột sống, khi được đưa vào viện thì hai chân đã không còn cảm giác. Cũng trải qua hai cuộc phẫu thuật tạo hình cấy ghép da cho bàn tay bị giập nát, anh Bùi Văn Đ. (32 tuổi, ở Hưng Yên) kể lại: Cuối năm, công việc nhiều nên cố làm nhanh để kịp giao hàng cho khách. Do sơ ý trong khi vận hành máy, bàn tay trái của tôi bị cuốn vào máy, ba ngón tay bị mất đốt...
Bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, vào thời điểm bình thường, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-120 ca tai nạn lao động/tháng; vào cuối năm lên tới 160-180 ca/tháng, trong đó có những trường hợp để lại hậu quả rất nặng nề như liệt, cụt chân tay, chấn thương sọ não... Dù được điều trị tích cực nhưng không ít bệnh nhân lâm vào cảnh tàn tật suốt đời. “Tai nạn lao động thường xảy ra với nhóm lao động thời vụ. Điểm chung ở họ là nhận lương theo thỏa thuận, không có hợp đồng lao động; trong khi không được đào tạo bài bản về kỹ năng nghề và không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng quy định. Nhiều vụ tai nạn có số nạn nhân đông, bệnh viện phải huy động toàn bộ nhân lực để cấp cứu”, bác sĩ Trần Trung Kiên nói.
Tương tự, vào thời điểm cuối năm, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, số ca tai nạn lao động nhập viện gia tăng. Trong đó, số nạn nhân bị ngã giàn giáo chiếm khoảng 15%, tai nạn do máy móc 12,5%... Bác sĩ Nguyễn Đức Chính (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết: Phần lớn nạn nhân là lao động xuất thân từ nông thôn, xong việc đồng áng đổ về thành phố kiếm việc làm thêm tại các công trường xây dựng nhưng không có hợp đồng lao động. Điều đáng buồn là nạn nhân từ các vụ ngã giàn giáo thường có tỷ lệ tử vong cao hoặc bị chấn thương khó phục hồi khá cao.
Nâng cao ý thức từ mọi phía
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) nhận xét: “Qua những vụ tai nạn đã xảy ra, dễ thấy việc bảo đảm an toàn lao động ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Khi tiến hành nghiên cứu về tai nạn lao động, chúng tôi đã có dịp tiếp cận với quy định nghiêm ngặt ở Nhật Bản. Theo đó, trước mỗi ca làm việc, chủ sử dụng lao động thường tìm hiểu xem hôm trước công nhân có thức khuya không, sức khỏe có bảo đảm không… Trong quá trình làm việc, họ kiểm tra rất kỹ phương tiện bảo hộ lao động, điều kiện làm việc. Đây là điều các chủ lao động trong nước cần học hỏi”.
Thực tế cho thấy, điều kiện bảo hộ cho người lao động ở nước ta còn không ít hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, dù biết rõ trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người lao động nhưng vì hoạt động sản xuất cuối năm gấp rút nên chỉ cố tuyển người chứ ít quan tâm đến việc hướng dẫn các quy trình an toàn lao động. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nguyên nhân dẫn tới tai nạn. Trong rất nhiều trường hợp, chính người lao động cũng chủ quan, coi thường tính mạng.
Theo bác sĩ Trần Trung Kiên, tai nạn lao động có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nếu như công tác phòng ngừa không được thực hiện tốt. Vì vậy, từ người lao động đến người sử dụng lao động đều phải nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động. Điều quan trọng là người lao động phải được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, hình thành ý thức chủ động phòng ngừa tai nạn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt, buộc doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động. Việc phòng ngừa tai nạn trong lao động phải được thực hiện hằng ngày, hằng giờ và mọi lúc, mọi nơi để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
Bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) khuyến cáo, với người lao động bị chấn thương, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng. Nếu không được sơ cứu đúng cách, nhất là với trường hợp chấn thương cột sống thì khi đến bệnh viện, tình trạng bệnh nhân sẽ rất nặng. Với mỗi trường hợp tai nạn lao động, nếu không hiểu rõ về cơ chế chấn thương, không rõ nguyên lý sơ cứu thì phải gọi đội cấp cứu chuyên nghiệp như Trung tâm Cấp cứu 115. |