Vì sao lăng mộ cụ Phạm Mẫn Trực chưa được tu sửa?

Văn hóa - Ngày đăng : 07:33, 20/01/2018

(HNM) - Tại thôn 4, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức có công trình lăng đá được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1964, thờ cụ Phạm Mẫn Trực - người làm quan quận công đời Lê. Trải qua thời gian, lăng đá đang bị xuống cấp nghiêm trọng...


Theo tài liệu của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lăng đá Lại Yên (còn gọi là lăng xóm Chợ) nằm ở thôn 4 xã Lại Yên (Hoài Đức) xây hình chữ nhật, xung quanh xây đá ong, chia làm 2 ngăn: Phía sau là mộ; phía trước để thờ có am, nhà bia và tượng đá. Lăng hiện do các đời con, cháu cụ Phạm Mẫn Trực trông coi, thờ cúng, có sự tham gia của Tiểu ban quản lý di tích lịch sử địa phương. Trải qua mấy trăm năm tồn tại chưa một lần được tu sửa, công trình lăng mộ ngày càng xuống cấp: Nền trũng, cổng vào lún nứt, hai nhà bia đá xiêu vẹo, mái nứt vỡ hiện được gông, bó bằng khung thép; khuôn viên di tích hoang sơ…

Trước lời “kêu cứu” của dòng họ Phạm Đình, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bố trí nguồn kinh phí 500 triệu đồng để tu sửa, tôn tạo lăng mộ. Nhưng thay vì tìm phương án sửa chữa hợp lý thì dòng họ Phạm trả lại số tiền này vì những khúc mắc chưa thể làm sáng tỏ.

Theo bản đồ mặt bằng lăng đá xác lập năm 1963 do ông Phạm Đình Hựu - người đại diện trông coi lăng hiện nay cung cấp, từ trung tâm lăng mộ lấy rộng ra 4 hướng xung quanh khoảng cách là 50m tạo thành khu vực bảo vệ lăng. Phía trước lăng tuy không còn dấu vết gì nhưng ông Hựu khẳng định có một nhà Đại bái 5 gian đã bị dỡ bỏ làm kho hợp tác xã từ năm 1961, nay phải khôi phục lại mới trọn vẹn khuôn viên di tích. Tuy nhiên, thực tế hiện trường, các nhà ở của người dân và dòng họ Phạm Đình chỉ cách khu trung tâm lăng mộ từ 2 đến 5m. Riêng phía trước lăng (trong khoảng cách 50m) đã có đường đi, có rào ngăn cách, liền kề với ao Chéo hiện được xác định là đất công do chính quyền địa phương quản lý.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết: Việc dòng họ Phạm Đình đề nghị khôi phục khuôn viên di tích ra tận ao Chéo đã được huyện Hoài Đức kết luận từ năm 2011: “Không đặt vấn đề đòi lại đất do biến động lịch sử, song trên cơ sở thực tế có thể giải quyết được, UBND xã tạo điều kiện để di tích gọn gàng, sạch đẹp hơn”.

Đến năm 2014, để cải tạo tình trạng úng ngập của toàn xã Lại Yên, huyện Hoài Đức đã thực hiện Dự án tiêu thoát nước xã Lại Yên, với việc thi công đường cống thoát nước quanh xã, đưa vào trạm bơm cưỡng bức để đẩy nước thải vào hệ thống cống chung. Khi thi công đường cống đến khu vực ao Chéo thì bị dòng họ Phạm Đình phản đối, cho rằng đã xâm phạm khu vực di tích của cụ Phạm Mẫn Trực. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kiểm tra hiện trạng việc làm đường tiêu thoát nước, xác định đường cống dự án nằm trong chỉ giới khu vực bảo vệ II của di tích nên yêu cầu tạm dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Thiết nghĩ, thời gian tạm dừng dự án đã lâu, gây ảnh hưởng đến cả di tích và dự án thoát nước của địa phương. Đề nghị các cơ quan chức năng ngành Văn hóa, UBND các cấp khẩn trương vào cuộc, xác định rõ chỉ giới, mốc giới và phạm vi bảo vệ lăng đá, thống nhất với dòng họ Phạm Đình về phương án bảo tồn, tu sửa để bảo vệ di tích trước sự mai một của thời gian.

Thùy Ngân