Thừa Thiên - Huế anh dũng, kiên cường
Chính trị - Ngày đăng : 06:56, 20/01/2018
Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Huế là một trong ba chiến trường đô thị trọng điểm để thực hiện tiến công chiến lược bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Xác định đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành bại của cuộc tổng tiến công, các tổ chức Ðảng ở Trị Thiên - Huế đã lãnh đạo quân và dân bí mật triển khai việc chuẩn bị về mọi mặt rất công phu và tỉ mỉ.
Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Về vũ khí, đạn dược: Vũ khí được bí mật đưa vào nội thành bằng xe lam, theo các gánh hàng trái cây hoặc giấu dưới những chiếc thuyền hai đáy, từ nguồn sông Bồ qua ngã Ba Sình, từ Dương Xuân Hạ xuống, từ Phú Vang lên, hoặc từ chợ Tài Ba vào để kịp thời trang bị cho lực lượng bộ đội. Nhà của nhiều người dân được dùng để chứa vũ khí.
Về xây dựng lực lượng: Việc tổ chức dẫn đường, lực lượng tham gia nổi dậy cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều cơ sở bí mật được xây dựng ở vùng ven Huế, tạo thành vành đai chính trị, quân sự bao bọc chung quanh thành phố. Đến cuối năm 1967, ta đã làm chủ được một số vùng nông thôn - hậu phương vững chắc để huy động sức người và sức của cho cuộc tiến công vào TP Huế khi thời cơ đến.
Song song đó, trong nội thành Huế, các cơ sở Ðảng, cơ sở quần chúng bí mật đã được xây dựng ở nhiều khu phố, trường học, nhà máy... Hơn 1.000 cơ sở cốt cán bí mật đã được huấn luyện để vừa làm du kích đánh địch, vừa làm nòng cốt huy động lực lượng quần chúng nổi dậy tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhờ kiên trì bám trụ địa bàn (trong nội thành Huế có 2 Thành ủy viên Thành ủy Huế bám trụ thường xuyên) ta đã phát triển được hàng nghìn cán bộ, cơ sở bí mật trong nhân dân Thừa Thiên và hàng trăm cán bộ, cơ sở trong nội thành Huế.
Về lương thực, thực phẩm: Công việc vận chuyển lương thực cho chiến dịch từ đồng bằng lên rừng được thực hiện từ trước Tết hàng tháng. Chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã huy động được từ Đồng bằng Thừa Thiên 2.000 tấn gạo và rất nhiều thực phẩm (có ngày nhân dân Hương Trà dắt lên cửa rừng 5 con bò giao cho Quân giải phóng) đủ để nuôi và bồi dưỡng 5.000 cán bộ, chiến sĩ tập luyện trong 2 tháng trước khi vào chiến dịch.
Ngoài ra, các công tác khác, như: Hậu cần, kỷ luật dân vận, kế hoạch vận động nhân sĩ trí thức, các chức sắc tôn giáo tham gia Mặt trận liên minh và chính quyền cách mạng lâm thời, kế hoạch vận động thanh niên tại chỗ tham gia lực lượng vũ trang, bảo quản chiến lợi phẩm, chính sách tù hàng binh... cũng được phối hợp chuẩn bị công phu và chu đáo.
Phối hợp cùng tiến công, nổi dậy giải phóng TP Huế
Tại mặt trận Huế, lúc 22h33 ngày 31-1-1968, tiếng súng tấn công bắt đầu vang lên khắp thành phố. Nhờ có thế trận chuẩn bị từ trước, các đơn vị nhanh chóng tiếp cận mục tiêu đúng giờ. Ngay khi tiếng súng phát lệnh, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, các đơn vị bộ binh, đặc công, biệt động, trinh sát, các đội công tác vũ trang, đặc biệt là lực lượng quần chúng của TP Huế và các huyện đồng loạt tiến công từ nhiều hướng, nhiều mũi, chiếm lĩnh nhiều mục tiêu quan trọng của địch. Sau 4 ngày chiến đấu liên tục, quân và dân ở mặt trận Huế đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng như: Dinh Tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, Đài Phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang (hang ổ của Mỹ), Sân bay Phú Bài…
Tích cực hỗ trợ cho lực lượng vũ trang, đông đảo nhân dân Huế đã nổi dậy dẫn đường cho bộ đội, đào hầm, dựng chiến lũy, tiếp tế, chăm sóc thương binh… và thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều khu vực. Sự quan hệ, gắn kết giữa quân và dân ngày một chặt chẽ, gần gũi, thuận lợi hơn. Trong cuộc tiến công ở mặt trận Huế, quân và dân ta đã diệt, bắt sống và làm tan rã hàng chục nghìn tên địch; bắn rơi và phá hỏng nhiều máy bay, tàu chiến, xe quân sự của địch; giải phóng 210.000 người dân, 20 xã, 271 thôn và thành lập chính quyền ở 200 thôn.
Tại TP Huế, các đoàn thể cách mạng nhanh chóng được hình thành. Lá cờ giải phóng của Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình TP Huế đã phấp phới bay cao trên Kỳ đài Huế trong suốt 26 ngày đêm quân ta giải phóng và làm chủ TP Huế (từ ngày 31-1 đến 24-2-1968).
Trong ba thành phố là trọng điểm tiến công của chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được mục tiêu cao và giành được thắng lợi lớn. Nhờ kết hợp tiến công quân sự với làn sóng nổi dậy của quần chúng, cuộc tiến công vào Huế đã trở thành một cuộc vũ trang khởi nghĩa của quần chúng, một cuộc đấu tranh rộng lớn mang đầy đủ tính chất và hình thái của một cuộc cách mạng nhằm lật đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Với 26 ngày đêm chiếm giữ thành phố, thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế là nguồn cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta trên khắp chiến trường và Huế thật xứng đáng với 8 chữ vàng: "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường" mà Bác Hồ đã trao tặng.
Cuộc tiến công như một bản anh hùng ca sáng chói, mở đường đánh cho "Mỹ cút, ngụy nhào", tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.