Người dân đội mưa xem cầu truyền hình "Bản hùng ca mùa xuân: Chân trần - Chí thép"
Chính trị - Ngày đăng : 22:34, 21/01/2018
Người dân đội mưa theo dõi cầu truyền hình "Bản hùng ca mùa xuân: Chân trần - Chí thép". |
Cầu truyền hình "Bản hùng ca mùa xuân: Chân trần - Chí thép” là một trong nhiều hoạt động diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Tại 3 điểm cầu truyền hình, có sự tham dự của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, các vị lão thành cách mạng, đại diện các gia đình có công với cách mạng, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân...
Chương trình kéo dài hai giờ đồng hồ với ba chương: Chân trần, Chí thép và Khát vọng hòa bình. Chủ đề xuyên suốt chương trình nêu bật tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, lòng dũng cảm vô biên và những tấm gương sáng ngời của chiến sĩ biệt động, an ninh, chiến sĩ quân Giải phóng, nam nữ dân quân hỏa tuyến, thanh niên xung phong, cùng toàn thể đồng bào, đồng chí.
Tiết mục mở màn là ca khúc “Đường chúng ta đi” được biểu diễn bởi các nghệ sĩ: NSND Trần Hiếu - NSND Quang Thọ - NSƯT Quốc Trụ - Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP Hồ Chí Minh Hợp xướng Ngày mới - Vũ đoàn Phương Việt - Vũ đoàn Bình Minh - Đoàn Văn công quân khu 7 - Vũ đoàn Chuông Gió - Vũ đoàn Bạch Dương - Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, trời đổ mưa trước và trong khi chương trình đang diễn ra, nhưng các đại biểu, các lãnh đạo, nhân chứng lịch sử, lực lượng vũ trang, lực lượng an ninh và đông đảo đoàn viên, người dân thành phố đã đội mưa theo dõi cầu truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu trong một không khí nghiêm trang, cùng hướng về những ngày lịch sử hào hùng của dân tộc.
Các tiết mục văn nghệ vận động nhân dân tham gia cách mạng được thể hiện như bài ca cổ ca cổ “Giữa chặng hành quân do nghệ sĩ NSƯT Lê Tứ - NSƯT Quế Trân biểu diễn cùng nhóm vũ đoàn minh hoa. Ca khúc “Bão nổi lên rồi” do nhóm Mắt Ngọc, nhóm Lạc Việt và các vũ đoàn thể hiện.
Xen lẫn các tiết mục văn nghệ tái hiện không khí lịch sử đấu tranh tại Khu ủy Sài Gòn - Gia Định xưa là các clip tư liệu sự kiện lịch sử, các phóng sự, phỏng vấn nhân chứng lịch sử được trình chiếu cho khán giả xem trực tiếp tại các điểm cầu và hàng triệu khán giả xem đài.
Đặc biệt, chương trình còn giao lưu trực tiếp với những người con Biệt động Sài Gòn. Đó là chị Đỗ Thị Kim Liên, Đỗ Mạnh Hùng, Đỗ Anh Chiến, Đỗ Thị Thơm, Đỗ Thành Công. Các anh chị đều là con của ông Đỗ Văn Căn (tức Ba Mủ) - người kiến tạo kho vũ khí ở nhà 183/4 đường Trần Quốc Toản quận 3 (nay là đường 3 tháng 2 quận 10, TP Hồ Chí Minh).
Trong chương trình, nhân chứng lịch sử có ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) - nguyên chiến sĩ Đội 5 - Biệt động Sài Gòn kể về trận đánh Dinh Độc Lập và sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Cầu truyền hình khép lại với liên khúc “Việt Nam ơi”, “Hãy đến với con người Việt Nam” sôi động, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc trong thời đại mới...