Kiểm soát chặt chẽ giết mổ gia súc, gia cầm
Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 22/01/2018
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó, 1.048 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công; 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 7 cơ sở giết mổ công nghiệp. Tuy vậy, trong số đó chỉ 168 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh. Thời điểm này, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhỏ lẻ được cơ quan chức năng kiểm soát đang bước “vào vụ” nên hoạt động khá sôi động, hầu hết đã tăng công suất 20-30%. Điển hình như: Lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), lò mổ Minh Hiền (huyện Thanh Oai)...
Chính vì vậy, dịp cao điểm này đang được các địa phương và lực lượng thú y tích cực triển khai, tăng cường lực lượng kiểm soát giết mổ; tránh tình trạng giết mổ chui, giết mổ tự phát... Trong đó, các lò giết mổ trâu, bò ở Quang Lãng (xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên) đã tăng công suất hoạt động từ nửa tháng nay (20% so với cùng kỳ tháng trước). Ông Phùng Văn Tảo, Trạm trưởng trạm Thú y Phú Xuyên cho hay, tại khu vực Quang Lãng có 15 lò mổ đăng ký đủ điều kiện kiểm soát giết mổ, đều bảo đảm cán bộ thú y trực thường xuyên. Đối với các cơ sở giết mổ chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định. Hiện nhu cầu giết mổ thịt gia súc, gia cầm tại địa phương, sau đó, vận chuyển đi các nơi tăng mạnh so với ngày thường (hơn 50% tiêu thụ ngoài địa bàn). Ngoài ra, với đặc thù có nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua nên công tác kiểm soát giết mổ và mua, bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ở Quang Lãng trong dịp Tết gặp nhiều khó khăn...
Qua khảo sát của lực lượng thú y đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 100% số cơ sở mong các cấp chính quyền tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách để hoạt động tập trung nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều hộ còn băn khoăn về thủ tục chuyển đổi đất đai; vốn xây dựng, đầu tư trang bị dụng cụ giết mổ theo quy định... Đây chính là rào cản lớn cho công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn, bởi rất nhiều hộ hoạt động giết mổ nhỏ lẻ mà chưa được kiểm soát, hoạt động không ổn định, mang tính thời vụ...
Để khắc phục, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Ngay từ đầu tháng 1-2018, đơn vị đã đẩy mạnh kiểm tra chặt chẽ các cơ sở đang có hoạt động giết mổ nhưng chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; chưa được chính quyền địa phương cho phép... sẽ đề xuất dừng hoạt động. Với các cơ sở hoạt động giết mổ quy mô lớn, đề xuất với chính quyền địa phương trong thời gian chờ quy hoạch, cho phép cơ sở thực hiện việc giết mổ tạm thời nhưng có sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thú y theo quy định; đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, kinh doanh trái quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần yêu cầu các cơ sở giết mổ ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ, kinh doanh bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm... Trước mắt, cần có các biện pháp thu gom, xử lý các loại rác thải, nước thải xả ra trong quá trình giết mổ tại các cơ sở nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.