80% tài sản của toàn cầu nằm trong túi 42 người giàu nhất thế giới
Nông nghiệp - Ngày đăng : 22:21, 22/01/2018
Theo Oxfam và Credit Suise, nhóm người giàu nhất thế giới này đang nắm lượng tài sản bằng tổng tiền của một nửa dân số thế giới nghèo nhất cộng lại.
Báo cáo thường niên về chênh lệch giàu nghèo trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) mới đây của Oxfam cho thấy, thực trạng chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng đang ngày một nghiêm trọng.
Nhiều lao động nữ thu nhập rất thấp dù phải làm việc trong môi trường vất vả. (Ảnh: Oxfam) |
Tổ chức này cho hay, 1% dân số thế giới đang nắm 82% lượng của cải tạo ra trong năm 2017, trong khi một nửa dân số nghèo nhất lại không được hưởng lợi gì.
Cũng theo báo cáo, tài sản của các tỷ phú tăng trung bình 13% mỗi năm kể từ năm 2010, nhanh hơn gấp 6 lần so với mức tăng lương của những người lao động bình thường (2% mỗi năm).
Số tỷ phú tăng nhanh chưa từng thấy trong khoảng thời gian từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017. Cứ 2 ngày lại có thêm 1 tỷ phú.
Báo cáo đưa ra dẫn chứng về việc chỉ cần 4 ngày là giám đốc điều hành của một trong năm thương hiệu thời trang quốc tế có thể kiếm số tiền tương đương tổng thu nhập cả đời của một nữ công nhân may mặc bình thường tại Bangladesh.
Tại Mỹ, chỉ với hơn một ngày lao động, một giám đốc điều hành có thể kiếm được số tiền tương đương thu nhập cả năm của một người lao động bình thường.
Cũng theo báo cáo này, tài sản của nhóm 50% dân số thuộc lớp đáy của thế giới không hề tăng, nền kinh tế thế giới có xu hướng thiên lệch nhóm người giàu.
"Sự sản sinh của hàng loạt tỷ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế đang nở rộ mà là triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại”, Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành của Oxfam International nói.
Người đứng đầu tổ chức này cho rằng, những người “sản xuất quần áo, lắp ráp điện thoại hay trồng thực phẩm” đang bị “bóc lột”’ để làm giàu thêm cho các tập đoàn và giới siêu giàu.
Trong khi đó, quyền lợi của lao động nữ thường bị xem nhẹ. Lao động nữ toàn cầu kiếm được số tiền ít hơn nam giới, và chiếm phần lớn số lượng người có mức thu nhập thấp nhất. Trong khi đó, khoảng 90% số tỷ phú là nam giới.
Oxfam khuyến nghị các chính phủ nên tập trung vào nhóm chính sách giúp phân phối của cải đều hơn và bảo vệ quyền lợi của công nhân. Họ có thể lập ra mức lương đủ sống, ủng hộ công đoàn, giải quyết bất bình đẳng giới, chống né thuế và đặt trần lương lãnh đạo doanh nghiệp.
Các chính phủ cũng cần phải xử lý nạn trốn thuế và hạn chế cổ tức cho cổ đông và thù lao cho giới quản lý, Oxfam nói. Tổ chức này cho rằng, các công ty không nên trả cổ tức cho những cổ đông trừ phi họ trả cho người lao động một mức lương đủ sống.
Khối tài sản hiện tại của Bezos tương đương khoảng 0,58% GDP của Mỹ, đồng thời gấp 1,8 triệu lần thu nhập bình quân hộ gia đình của nước này. 10 USD được tạo ra trên thế giới thì 8 USD rơi vào túi của nhóm 1% siêu giàu.