Bị cáo Đinh Mạnh Thắng: Phạm tội do vô tình chứ không đồng phạm

Pháp đình - Ngày đăng : 13:41, 24/01/2018

(HNMO) - Sáng 24-1, TAND thành phố Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà đến tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


8 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4, điểm a, Bộ luật Hình sự năm 1999 gồm: Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC); Đào Duy Phong (SN 1958, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land); Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972, nguyên Tổng Giám đốc PVP Land); Đinh Mạnh Thắng (SN 1962, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà); Thái Kiều Hương (SN 1973, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan); Lê Hòa Bình (SN 1954, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân); Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972, trú tại phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh, làm nghề kinh doanh tự do).

Phiên tòa bắt đầu lúc 8h15 với sự bảo đảm an ninh nghiêm ngặt. Bị cáo Lê Hòa Bình cùng một số người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Theo đại diện VKS, trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Lê Hòa Bình đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo được chỉ định luật sư bào chữa. Ngoài ra, bị cáo đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên việc bị cáo Bình vắng mặt không ảnh hưởng đến quyền của bị cáo.

Sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, HĐXX bắt đầu bước vào phần xét hỏi. Một số luật sư bào chữa cho rằng lời khai của các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương và Nguyễn Thị Kim Thoa đang có mâu thuẫn nên đề nghị HĐXX cho cách ly từng bị cáo khi tiến hành xét hỏi để làm sáng tỏ sự thật khách quan.

Tuy nhiên, khi tiến hành xét hỏi các bị cáo đầu tiên, HĐXX đã không cách ly 3 bị cáo trên mà chỉ áp dụng các ly đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Theo bản luận tội của VKS, bị cáo Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã giúp bị cáo Thái Kiều Hương gặp bị cáo Trịnh Xuân Thanh đặt vấn đề cho phép PVP land chuyển nhượng cổ phần tại Công ty xuyên Thái Bình Dương.

Khoảng cuối tháng 3-2010, thông qua kết nối của Đinh Mạnh Thắng, Hương cùng Thắng đã gặp Trịnh Xuân Thanh tại nhà hàng trên đường Xuân Diệu, Hà Nội. Tại cuộc gặp này, Thanh thừa nhận việc Thắng đã đặt vấn đề đề nghị Thanh quan tâm, ủng hộ cho PVP land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza

Do có ảnh hưởng trong việc bán dự án này, ngày 29-3-2010, Hương đã nói lái xe ô tô chở mình đến đường Xuân Diệu và chuyển 5 tỷ đồng sang xe ô tô của Đinh Mạnh Thắng.

Tại phiên xét xử sáng nay, Thắng thừa nhận đã nhận 5 tỷ đồng. "Khi đưa tiền, Hương nói: 'Bọn em cảm ơn anh!', vì bị cáo đã dẫn Hương đến gặp và trình bày công việc với anh Thanh" - bị cáo Thắng trình bày.

Về khoản tiền 14 tỷ đồng ngày 6-4-2010 Hương nhờ Thắng gửi cho Thanh, Thắng đã nhận lời và nói Hương mang đến nhà mình giao cho vợ là Nguyễn Thị Thanh Vân. Ngày hôm sau, theo hướng dẫn của Thanh, Thắng đã chuyển số tiền đựng trong một vali cho lái xe của Thanh là Nguyễn Đặng Toàn.

"Bị cáo nghĩ thế nào về hành vi của mình?" - trả lời câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Thắng đáp rành rọt: "Với hành vi của tôi, tôi nghĩ là tôi vô tình, do giúp Hương gặp anh Thanh. Theo kết luận điều tra và cáo trạng, tôi không đồng phạm với các anh. Việc thực hiện mua bán thế nào tôi không biết".

Số tiền 19 tỷ đồng này, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Hoà Bình cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và triệu tập Thái Kiều Hương đến làm việc, Hương đã yêu cầu Thắng phải trả lại. Sau nhiều lần yêu cầu, Thắng đã hoàn trả cho Hương số tiền 5 tỷ đồng đã nhận; đồng thời nhận từ Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng để trả lại cho Hương.

Được mời đến toà với tư cách nhân chứng, vợ bị cáo Thắng là chị Nguyễn Thị Thanh Vân thừa nhận đã nhận một túi đồ được chuyển đến giúp chồng. Do không mở ra nên không biết bên trong túi đựng gì. Túi đồ này sau đó chị đã giao lại cho Thắng.

Trả lời một số câu hỏi khác tại phiên xét xử, bị cáo Thắng đã có một số thay đổi về lời khai so với quá trình làm việc với cơ quan điều tra trước đây.

Chiều nay, HĐXX bắt đầu làm việc từ 13h30. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 6-2, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật.

Theo cáo trạng của VKS, ngày 27-3-2010, Công ty CP dịch vụ xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hoà Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5) với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hoà Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của Công ty xuyên Thái Bình Dương, trong đó riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Công ty CP bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP land) thể hiện giá chuyển nhượng hơn 13.000 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất). So với giá đã được thoả thuận trong hợp đồng đặt cọc thì tổng giá trị hợp đồng giảm đi hơn 87 tỷ đồng. 

Kết quả điều tra về việc ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị, đã xác định bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị can Lê Hoà Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế hơn 87 tỷ đồng để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt. 

Trong đó, bị can Trịnh Xuân Thanh được 14 tỷ đồng; Đinh Mạnh Thắng chiếm 5 tỷ đồng; Đào Duy Phong 8 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng; Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng. Tổng cộng các bị can đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số hơn 87 tỷ đồng. 

Trong hành vi phạm tội này, Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định cho chuyển nhượng và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện. Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng biết rõ việc chuyển nhượng cổ phần thấp hơn giá trị thực tế nhưng tích cực thực hiện để rút tiền chênh lệch, chiếm đoạt tài sản của nhà nước. 

Các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP land.

Do trong quá trình điều tra, bị can Đặng Sỹ Hùng đã chết nên VKS đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này. 

Cũng trong quá trình điều tra, truy tố, bị can Đào Duy Phong đã tự nguyện nộp lại 10 tỷ đồng; gia đình Huỳnh Nguyễn Quốc Duy nộp 1,2 tỷ đồng. Trong giai đoạn truy tố, bị can Nguyễn Ngọc Sinh đã thành khẩn khai báo và đề nghị gia đình nộp lại 2 tỷ đồng tiền chiếm đoạt.

Trong giai đoạn khởi tố điều tra vụ án Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng khi được Thái Kiều Hương yêu cầu đã trả lại 19 tỷ đồng. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà VKS đề nghị Tòa án xem xét khi xét xử đối với từng bị can.

Bảo Hân