Chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước vụ xuân

Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 24/01/2018

(HNM) - Do tồn tại một số bất cập nên khả năng 30.000ha đất nông nghiệp của Hà Nội sẽ thiếu nước gieo cấy vụ xuân. Khắc phục tình trạng này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp thủy lợi, người dân và sự điều tiết nước hợp lý của Bộ NN&PTNT.


Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, vụ xuân năm nay, Hà Nội phấn đấu gieo trồng khoảng 120.000ha, trong đó 97.870ha lúa, 5.598ha ngô, 9.620ha rau màu các loại… Thời vụ gieo trồng cây lúa tập trung từ ngày 25-1 đến 26-2. Để bảo đảm đủ nước gieo cấy vụ xuân, Sở NN&PTNT đề nghị Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) điều chỉnh số ngày và số lần điều tiết nước của các hồ thủy điện. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã chốt kế hoạch điều tiết nước: Đợt 1 từ 0h ngày 16-1 đến 24h ngày 19-1, đợt 2 từ 0h ngày 28-1 đến 24h ngày 4-2, đợt 3 từ 0h ngày 9-2 đến 24h ngày 14-2. Đối chiếu kế hoạch của Bộ NN&PTNT và thời vụ gieo cấy của Hà Nội, nhiều khả năng 30.000ha sản xuất vụ xuân của các quận, huyện, thị xã nằm trong hệ thống thủy lợi Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa, Liên Mạc, Thanh Điềm, Ấp Bắc… bị thiếu nước.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy lợi, sau Tết Nguyên đán, phần lớn các trạm bơm dã chiến bị thiếu nguồn nước, thậm chí không thể hoạt động. Nguyên nhân là do thời kỳ này các nhà máy thủy điện hạn chế sản lượng phát điện dẫn đến mực nước sông Hồng xuống thấp nhất trong năm. Ứng phó với thách thức này, bảo đảm đủ nước gieo cấy, các doanh nghiệp thủy lợi đã kiểm tra, xây dựng phương án nạo vét cửa khẩu, kênh dẫn…

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh Lưu Thành Quang cho biết, năm 2017, do Nhà máy thủy điện Hòa Bình nhiều lần mở cửa xả lũ và biến đổi dòng chảy nên hiện nay 7 cửa khẩu, kênh dẫn nước sông Hồng vào trạm bơm dã chiến bị bồi lắng. Để các trạm bơm dã chiến hoạt động bình thường khi hồ thủy điện không xả nước dịp sau Tết Nguyên đán, công ty cần khoảng 2 tỷ đồng để nạo vét kênh dẫn. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên Công ty chưa thể hoàn thành khối lượng công việc và hiện đã đề nghị các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí để khắc phục hiện tượng bồi lắng kênh dẫn.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương phân cấp của thành phố, Sở NN&PTNT và các quận, huyện, thị xã liên tục đôn đốc, chỉ đạo các hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn thành công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số hợp tác xã chưa bàn giao, hoặc bàn giao nhà trạm nhưng không bàn giao máy bơm. Sau khi bàn giao công trình thủy lợi, nhiều hợp tác xã không chủ động đăng ký với doanh nghiệp lịch lấy nước… Thực tế này càng làm gia tăng khả năng thiếu nước cục bộ tại một số địa phương.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, kế hoạch điều tiết nước của Bộ NN&PTNT đã chốt là phương án tốt nhất và sẽ không tăng đợt xả để dành nguồn nước phát điện vào mùa khô. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng sản lượng phát điện, bổ sung lưu lượng nước vào sông Hồng, bảo đảm mực nước cho các trạm bơm dã chiến hoạt động… Về lâu dài, nông dân của Hà Nội cần phải thay đổi thói quen gieo cấy trà xuân muộn.

Để bảo đảm đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi trong các đợt xả nước hồ thủy điện phải vận hành tối đa các trạm bơm ven sông… chủ động trữ nước vào các khu trũng thấp, hệ thống kênh mương; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối; lắp đặt máy bơm, công cụ bơm tát dã chiến để hỗ trợ cấp nước khi cần thiết… Các địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thủy lợi trong việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi; đặc biệt chỉ đạo các xã, hợp tác xã khẩn trương bàn giao công trình thủy lợi và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông để tạo mặt bằng gieo cấy, trữ nước...

Kim Nhuệ