Bước phát triển cao về nghệ thuật quân sự Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 07:07, 25/01/2018
Kéo pháo 70 ly chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Cà Mau. Ảnh tư liệu |
Bí mật, bất ngờ
Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thành công của nghệ thuật nghi binh lừa địch, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Do đó, ta đã giành nhiều thắng lợi, đánh chiếm được một số mục tiêu quan trọng, địch bị động, bất ngờ trong đối phó. Thực hiện kế hoạch nghi binh thu hút quân Mỹ và quân Sài Gòn cũng là hướng tiến công phối hợp với hướng tiến công chính vào các đô thị.
Ngày 20-1-1968, ta mở chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh xuân - hè 1968; ngày 27-1-1968, liên quân Lào - Việt mở Chiến dịch Nậm Bạc. Mặt trận Khe Sanh đã thu hút và giam chân 17/33 sư đoàn địch, làm cho địch tin rằng trong năm 1968, quân và dân miền Nam chỉ đủ khả năng tiến công ở mặt trận Khe Sanh mà không đủ lực tiến công các khu vực khác, nên chúng tập trung lực lượng để đối phó ở hướng này là chủ yếu. Điều này khiến địch mắc sai lầm. Chủ trương của ta là căng địch trên khắp các chiến trường, kéo quân chủ lực, nhất là quân Mỹ ra các khu vực rừng núi, giáp ranh, tiêu diệt bộ phận và giam chân các binh đoàn quân Mỹ. Đó là một đòn đánh chính, một hướng tiến công của bộ đội chủ lực.
Một đòn nữa là đưa chiến tranh vào đô thị. Đây là hướng rất hiểm, cũng là hướng chủ yếu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nhằm đánh ập vào các thành thị, hệ thống trung tâm đầu não chỉ huy, các kho tàng, các sân bay, bằng lực lượng quân sự tinh nhuệ là chính cùng lực lượng chính trị của quần chúng cách mạng, kết hợp tiến công quân sự, chính trị và binh địch vận. Quân, dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy dồn dập, phá bộ máy kìm kẹp, quân đội Sài Gòn tan rã từng mảng lớn... Đây thực sự là đòn tiến công bất ngờ với Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Nói về sự bất ngờ, Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 cho biết, Đảng ta chọn thời điểm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đúng vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, là lúc địch dễ sơ hở, chủ quan. Trong bộ phim tài liệu Việt Nam: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, đạo diễn Michael Maclear cho rằng: "Chiến tranh Việt Nam có quá nhiều bất ngờ, nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt hơn trận tiến công Tết. Đặc biệt nó diễn ra ngay trong Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn".
Còn tờ Thời báo của Mỹ số ra ngày 9-2-1968 bình luận: "... chắc chắn là một hành động bất ngờ thần thánh". Giới quân sự Mỹ cho rằng, vũ khí mạnh nhất của cuộc tiến công Tết là sự bất ngờ. Báo chí phương Tây lúc bấy giờ mô tả cuộc tiến công này là một tiếng sét nện đúng đỉnh Nhà Trắng. Với ta đến thời điểm hiện nay, đây là cuộc động binh lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
"Bước đệm" cho Đại thắng mùa Xuân 1975
Theo Trung tướng Võ Minh Lương, năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ - thời điểm rất nhạy cảm về chính trị. Điều này buộc Tổng thống đương nhiệm Lyndon Johnson phải tính toán, thận trọng để đưa ra các quyết sách, nhất là đường lối chiến tranh Việt Nam, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân Mỹ trong cuộc vận động tranh cử.
Tình hình trên cho thấy, dù lực lượng quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn rất đông, tiềm lực còn mạnh nhưng thực tế chiến trường đã đẩy đế quốc Mỹ vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Trong khi đó, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh, các lực lượng vũ trang có những bước tiến vượt bậc, hình thành thế bao vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các đô thị.
Trên cơ sở đánh giá cụ thể so sánh tương quan lực lượng địch - ta, tại Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) nhận định: "Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Tình hình đó cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định". Đây là một chủ trương táo bạo, đúng đắn và kịp thời của Đảng, thể hiện sự nhạy bén nắm bắt thời cơ chiến lược trong chỉ đạo chiến tranh, bởi năm 1968 chúng ta đã hội đủ các điều kiện về chính trị, quân sự, ngoại giao để thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này.
Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đòn tiến công này đã giáng cho giới cầm quyền Nhà Trắng một cú "choáng đột ngột", làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, phá vỡ kế hoạch tác chiến của quân Mỹ, làm rung chuyển nước Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ L.Johnson phải tuyên bố xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta ở Paris và không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai. Đồng thời, chúng ta đã đánh bại về cơ bản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ, mở ra khả năng hiện thực hóa tư tưởng "đánh cho Mỹ cút", để tiến tới "đánh cho ngụy nhào" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh, những kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thực sự là bài học sâu sắc, có ý nghĩa như một cuộc tổng diễn tập để 7 năm sau đó, khi thời cơ chín muồi, quân và dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong mùa Xuân Ất Mão 1975. Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự kiểm chứng cho những vấn đề đã đặt ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Trong đó, nổi bật những vấn đề về chỉ đạo và điều hành chiến tranh là phải đánh giá đúng về địch, về ta; có chủ trương, quyết tâm chiến lược chính xác; phối hợp chặt chẽ khả năng chiến đấu của ba thứ quân; phát huy sức mạnh của mọi lực lượng và của toàn dân; tiến hành công tác chuẩn bị chu đáo, tạo thế, tạo lực hơn hẳn đối phương; lựa chọn chiến trường mở đầu đúng, phù hợp khả năng của ta; nắm chắc và nhanh chóng chớp thời cơ, kịp thời điều chỉnh quyết tâm (cả chiến thuật, chiến dịch và chiến lược); có cách đánh sáng tạo; chỉ huy điều hành tác chiến kiên quyết, linh hoạt, táo bạo, bí mật, bất ngờ với tinh thần quyết chiến, quyết thắng thì nhất định sẽ giành thắng lợi.