Xuất phát từ dân, lắng nghe dân và hành động vì dân

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:12, 25/01/2018

(HNM) - Đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của công tác nội chính, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Nội chính là công tác bảo vệ chính trị nội bộ và thực chất, sâu xa là bảo vệ quần chúng nhân dân, tạo cho nhân dân cuộc sống bình yên.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy kiểm tra công tác sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt


Triển khai toàn diện các mặt công tác

Với lĩnh vực quản lý rộng lớn, tính chất công việc nhạy cảm, nhiều khó khăn, thách thức, song trong năm vừa qua, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội và các ngành thuộc khối nội chính đã triển khai toàn diện các mặt công tác, đạt được những kết quả khả quan.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo đảm quân sự, quốc phòng; đấu tranh với tội phạm hình sự, an toàn phòng cháy, chữa cháy... năm 2017, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp nhận 28.315 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và xử lý 40.796 đơn, thư các loại. Kết quả, đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 3.561 vụ việc, giải quyết 2.869 vụ việc.

Cũng trong năm 2017, Thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 312 cuộc thanh tra, kết luận 212 cuộc. Ban Nội chính Thành ủy tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội, thành lập 3 đoàn kiểm tra trực tiếp tại 12 đơn vị; rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, các vụ việc công dân khiếu kiện bức xúc trên địa bàn để tập trung chỉ đạo giải quyết.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã chủ trì, xây dựng 3 chuyên đề về tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính trong phòng, chống tham nhũng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020; khảo sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thực trạng và giải pháp; khảo sát đánh giá những vấn đề, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng nổi cộm như, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cùng với đó là đẩy mạnh công khai, minh bạch các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc gắn với cải cách thủ tục hành chính; công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu, công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. 723 tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động...

Kịp thời tham mưu, xử lý những vấn đề "nóng"


Nói về vai trò, nhiệm vụ của công tác này, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nội chính là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thi hành chủ trương, chính sách, luật pháp có quan hệ tới lợi ích của quần chúng, tới việc duy trì sự ổn định chính trị - xã hội để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và phát triển đất nước. Người cũng căn dặn, tâm trạng, ý nguyện, thái độ và những phản ứng của dân phải luôn luôn được xem là những căn cứ để định ra đường lối, cân nhắc chủ trương, soát xét lại chính sách, xem xét lại tổ chức và cán bộ để phát huy cái tốt và ưu điểm, chấn chỉnh cái sai trái, lệch lạc, uốn nắn tổ chức, thay đổi phương pháp, giáo dục cán bộ. Mọi việc lớn nhỏ, việc chính việc phụ, việc gấp việc hoãn đều phải xuất phát từ dân, lắng nghe dân và hành động vì dân.

Thấm nhuần tinh thần này, công tác nội chính trên địa bàn Thủ đô năm 2017 đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Năm 2018, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, nội dung, nhiệm vụ của công tác nội chính hết sức lớn, phức tạp và ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy, ngành Nội chính cần tập trung bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề "nóng", nổi cộm, bức xúc, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điều đó đòi hỏi toàn ngành nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các loại tội phạm thuộc thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, không để tồn đọng kéo dài; nâng cao chất lượng hoạt động xét xử. Đặc biệt, các đơn vị khối nội chính cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Để thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngoài việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ, bản thân mỗi cán bộ, công chức của các cơ quan nội chính phải tự trau dồi đạo đức cách mạng cũng như chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hương Ly