TP Hồ Chí Minh: Thành lập Trung tâm quản lý giao thông công cộng

Đời sống - Ngày đăng : 14:02, 26/01/2018

(HNMO) - Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh sẽ có chức năng quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.

Sáng 26-1, Sở Giao thông Vận tả (GTVT) TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố quyết định tổ chức lại Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đổi tên đơn vị này thành Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố.

Trao quyết định thành lập Trung tâm quản lý giao thông công cộng.


Theo quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ngoài hệ thống xe buýt, taxi, TP Hồ Chí Minh sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện mặt đất và 6 tuyến xe buýt nhanh. Bên cạnh đó là mạng lưới nhà ga, trạm dừng, hệ thống vé, hệ thống điều hành và giao thông thông minh...

Theo Sở GTVT thành phố, những yếu tố này cần phải được quản lý từ khâu quy hoạch cho đến các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành. Để thực hiện những yêu cầu trên cần một cơ quan mới, với chức năng, nhiệm vụ khác những cơ quan, đơn vị đang hoạt động hiện nay. Vì vậy, sự ra đời của Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã đáp ứng yêu cầu bức thiết để phát triển lĩnh vực giao thông công cộng thành phố.

Giai đoạn từ nay tới năm 2022, hệ thống giao thông cộng sẽ bắt đầu tiếp nhận các mô hình dịch vụ mới như: Tuyến metro số 1, xe buýt nhanh... Do đó, Trung tâm quản lý giao thông công cộng ngoài việc vẫn tổ chức và quản lý hệ thống xe buýt, taxi..., còn đảm nhận việc quản lý và điều hành các dịch vụ mới này.

Sau giai đoạn nêu trên, từ năm 2023, khi hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, giao thông công cộng đảm nhận từ 20% - 30% nhu cầu đi lại của người dân, Trung tâm quản lý giao thông công cộng sẽ được nâng cấp và trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh để thống nhất đầu mối quản lý giao thông.

Hà Phạm