Tổng tiến công Xuân 1968: Dấu son chói lọi của quân và dân Kiên Giang
Chính trị - Ngày đăng : 12:08, 28/01/2018
Quân Giải phóng tiến công tiêu diệt giặc tại Sài Gòn (1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, ở Rạch Giá, cuối năm 1967, sau khi nhận lệnh "giành thắng lợi quyết định" Tỉnh ủy Rạch Giá đã chỉ đạo cho các huyện, lực lượng vũ trang mở đợt tấn công chính trị, binh vận… Riêng Tiểu đoàn 207 thực hiện tuyên truyền, phát động quần chúng ở Tây Yên, huyện An Biên; lực lượng biệt động thị xã Rạch Giá rút về Hòn Đất ăn Tết. Để tăng cường sự lãnh đạo và chuẩn bị cho chiến trường chính, Tỉnh ủy đã tăng cường một số đồng chí về lãnh đạo ở một số huyện.
Ngày 29-1-1968, Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá tổ chức họp khẩn tại Bờ Dừa, xã Đông Yên, huyện An Biên quán triệt chỉ thị của Khu ủy, đồng thời rà soát lại tình hình của địa phương, vận dụng chủ trương của Khu ủy vào điều kiện cụ thể của tỉnh, chuẩn bị các mặt cho cuộc tổng tiến công với tinh thần thừa thắng xông lên với quyết tâm cao nhất, giành thắng lợi lớn nhất. Tỉnh ủy Rạch Giá lúc đó đã hạ quyết tâm: “Lãnh đạo toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân dốc toàn lực giành thắng lợi quyết định trong một thời gian ngắn bằng phương pháp công kích và khởi nghĩa. Mục tiêu tiến công chủ yếu và cũng là trọng điểm là thị xã Rạch Giá; mục tiêu của huyện là thị trấn, chi khu…".
Sau đó, Tỉnh ủy Rạch Giá thành lập Ban chỉ huy thống nhất mặt trận thị xã Rạch Giá (tỉnh Rạch Giá). Tỉnh ủy xác định Mặt trận chính có các mục tiêu phải đánh chiếm được là Dinh tỉnh trưởng, Tỉnh đoàn Bảo an, nhà lao, ty ngân khố, bưu điện, trại biệt kích, ty công an; mục tiêu mặt trận thứ yếu là chi khu Kiên Thành, căn cứ hải quân, sân bay Rạch Sỏi, cư xá Mỹ, trung tâm thẩm vấn…
Thực hiện theo mệnh lệnh tiến công, đúng 3 giờ ngày 31-1-1968, Ban Chỉ huy chiến dịch ra lệnh nổ súng tiến công vào các mục tiêu đã định; các địa phương trong tỉnh Rạch Giá cũng đồng loạt nổ súng. Tại mặt trận thị xã Rạch Giá (tỉnh Rạch Giá), lực lượng chính tiến công vào là Tiểu đoàn 207 của tỉnh. Sau khi dùng súng cối bắn vào trại biệt kích Mỹ, 4 đại đội của Tiểu đoàn 207 chia thành 4 mũi đánh vào Dinh Tỉnh trưởng, Ty Công an, Trại lính Bảo An.
Ở hướng chủ yếu, Đại đội 3 của Tiểu đoàn 207, sau 30 phút tiến công đã đánh qua Khám lớn, chiếm khu tòa án, bưu điện, trại biệt kích, một góc Tỉnh đoàn bảo an và một góc dinh Tỉnh trưởng... Đến 5 giờ ngày 31-1 , Ban Chỉ huy thống nhất ra lệnh rút quân ra khỏi trận địa.
Đêm 2-2-1968, Tiểu đoàn 207 trở lại bám trụ khu vực đầu voi vàm xáng Hà Tiên đến đồn máy nước xã Phi Thông, thị xã Rạch Giá. Địch ở tiểu khu dùng bộ binh và tàu phản kích, ta đã diệt được 1 đại đội bảo an, bắn cháy 2 tàu. Sau mùng 3 Tết Mậu Thân, đại bộ phận lực lượng tham gia tấn công thị xã Rạch Giá đã lùi về khu vực Tà Keo, xã Phi Thông để củng cố, bổ sung quân số và đạn dược. Quân ta vẫn kiên cường bám trụ ở các vị trí như kênh xáng Đòn Dong, kênh xáng Tân Hội…; liên tục tổ chức nhiều mũi "thọc sâu" vào nội ô thị xã Rạch Giá, đánh căn cứ quân xa Tắc Ráng, cư xá Mỹ, trận địa pháo của địch ở sân vận động thị xã, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Nhịp nhàng với mặt trận thị xã Rạch Giá, từ đêm mùng 1 đến mùng 8 Tết, quân và dân các huyện đã đồng loạt tiến công, bao vây, pháo kích các chi khu ở các huyện Giồng Riềng, An Biên, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Châu Thành A, Phú Quốc…; làm chủ nhiều đoạn trên các trục đường thủy, đường bộ Rạch Giá - Hà Tiên, Giồng Riềng, lộ Tân Hiệp; loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, phá hỏng 1 máy bay, 2 tàu chiến, 1 xe quân sự, 2 khẩu pháo 105 ly, giải phóng thêm 4 xã, 43 ấp với 65.000 dân…
Trong những ngày diễn ra cuộc tổng tiến công, nhiều người đã xung phong tham gia lực lượng chính trị, tự nguyện đem vỏ máy, xuồng ghe đến giao cho các Ban chỉ huy sử dụng. Hàng ngàn người dân tự nguyện tham gia đưa đón lực lượng vũ trang đến điểm tập kết, tham gia tải đạn, tải thương,vận chuyển người và các vật dụng hậu cần…
Trong cuộc tổng tiến công, toàn tỉnh Rạch Giá lúc đó đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.000 tên địch, giải phóng thêm 7 xã, 43 ấp với hơn 80.000 dân, mở ra thêm vùng giải phóng ở các huyện trong tỉnh...
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Kiên Giang đã đi vào lịch sử như một dấu mốc vàng son chói lọi, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tự hào về truyền thống, Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang hôm nay đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.