Quyết tạo sự chuyển biến
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 29/01/2018
Nguy cơ cao
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm mới chỉ dừng lại trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Còn trong các bữa cỗ tập trung đông người, các món ăn do gia đình tự nấu hoặc thuê người nấu thì việc bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được cơ quan chuyên môn giám sát, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Vì vậy, năm 2017, TP Hà Nội đã chọn 30 xã thuộc 4 quận, huyện (Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai, Long Biên) để triển khai thí điểm việc kiểm soát bữa ăn tập trung đông người. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Các bữa cỗ gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Tại huyện Phú Xuyên có khoảng 20 cơ sở nấu cỗ lưu động, tất cả đều không có giấy phép đăng ký kinh doanh, người tham gia chế biến không khám sức khỏe định kỳ, không tham gia tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan tới cỗ cưới, đám giỗ, khiến 87 người mắc.
Ông Đặng Văn Thủy, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên cho biết, việc bố trí khu vực nấu, chia thức ăn, bảo quản thực phẩm tại các bữa cỗ không bảo đảm an toàn. Việc chế biến diễn ra ngay cạnh cống rãnh, dụng cụ dùng chung cho cả thực phẩm sống và chín, sử dụng nước giếng khoan để rửa nguyên liệu, đầu bếp không mang tạp dề, khẩu trang, găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm.
Tại huyện Quốc Oai, 98% số bữa cỗ hằng năm là do các gia đình tự chế biến. Đại diện Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) lo ngại, các bữa cỗ ở địa phương thường ăn trong 2 ngày, thức ăn thừa của ngày hôm trước được sử dụng trong ngày hôm sau, rất dễ gây ngộ độc tập thể. Người nấu cỗ không hợp tác trong ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm… Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm xã đã thành lập tổ tư vấn (gồm 3-5 người) giám sát việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng chủ yếu là người không có chuyên môn về an toàn thực phẩm nên chất lượng giám sát chưa cao.
Tương tự, tại huyện Thanh Oai, người dân ít quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng) vừa tổ chức cưới cho con, chia sẻ: “Tôi nghĩ công tác quản lý an toàn thực phẩm chỉ cần thiết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quy định nguyên liệu, thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, tôi thấy rất khó thực hiện bởi nguyên liệu dùng cho bữa cỗ, nhất là ở khu vực nông thôn, đều do gia đình tự nuôi, trồng hoặc mua tại chợ nên không có hóa đơn, chứng từ”.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ năm 2007 đến năm 2017, Hà Nội đã ghi nhận 40 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 930 người mắc, trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm tại gia đình là 11 (30,6%), tại các bữa cỗ là 13 (36,1%)... |
Tăng cường hoạt động can thiệp
Dù mới thí điểm lần đầu, chất lượng công tác giám sát, tư vấn về bữa ăn tập thể tại gia đình chưa cao nhưng đây vẫn là mô hình hay, cần được nhân rộng. Về vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người không phải phần việc dễ triển khai. Ngay cả khi đã ký cam kết thực hiện 10 quy định bắt buộc về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có những điều dễ thực hiện như trang bị găng tay sạch sử dụng một lần, không để thực phẩm dưới nền nhà, có nước sạch để rửa nguyên liệu, lưu mẫu thức ăn tối thiểu 24 giờ… nhưng không phải hộ gia đình nào cũng chấp hành.
Tuy nhiên, kết quả triển khai thí điểm tại 4 quận, huyện cũng cho thấy chuyển biến bước đầu về ý thức của người dân. Cụ thể, trong năm 2017, các quận, huyện được chọn thí điểm đã thành lập 34 tổ tư vấn, tiến hành giám sát 4.516 bữa cỗ. Trong số này, số bữa cỗ không bị ảnh hưởng bởi nguồn gây ô nhiễm là 78,7%, có 522 hộ gia đình đã khắc phục tồn tại sau khi được giám sát. Qua xét nghiệm nhanh, có 93,2% mẫu thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, hơn 85% số bữa cỗ sử dụng nguyên liệu có thể chứng minh được nguồn gốc...
Từ kết quả bước đầu, ông Trần Văn Chung cho rằng, trong năm 2018, thành phố tiếp tục triển khai những mô hình thí điểm nêu trên, đồng thời nhân rộng ra 6 huyện khác, mục tiêu là bảo đảm 100% bữa cỗ tập trung đông người được kiểm soát về an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh các hoạt động can thiệp như kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định về an toàn thực phẩm… để người dân hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện mô hình này, góp phần giảm nguy cơ ngộ độc tập thể.