Thêm trừng phạt, tăng xa cách
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 29/01/2018
Mỹ trừng phạt 21 cá nhân và 9 công ty của Nga về vấn đề Ukraina. Ảnh: RT. |
Cụ thể, Mỹ đã bổ sung tổng cộng 21 cá nhân và 21 tổ chức của Nga vào danh sách trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong những cái tên có những nhân vật quan trọng như Thứ trưởng Năng lượng Nga A.Cherezov, người đứng đầu Công ty Công nghệ Technopromexport và nhiều công ty con của Hãng sản xuất dầu Surgutneftegaz. Lệnh trừng phạt mới cũng nhắm mục tiêu tới các công ty năng lượng lớn như Gaz-Alyans, Kaliningradnefteprodukt và Tập đoàn sản xuất thiết bị điện Power Machines.
Việc mở rộng trừng phạt tiếp tục cho thấy thái độ phản đối quyết liệt của Mỹ đối với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Đây là một trong những vấn đề khiến quan hệ hai nước xấu đi bên cạnh những bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Syria, hay việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015.
Từ năm 2016, mối quan hệ giữa hai cường quốc đã diễn biến phức tạp hơn sau khi Washington cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Năm 2017, hai nước liên tục đưa ra các biện pháp “ăn miếng trả miếng” khiến tình hình càng thêm căng thẳng. Việc Mỹ áp đặt trừng phạt, cũng như nhiều lần mở rộng và gia hạn các lệnh này đã tác động không nhỏ tới hàng loạt ngân hàng, công ty và nhiều công chức Nga.
Tuy nhiên, có những đánh giá cho rằng, chính sách cứng rắn của Mỹ nhằm vào Nga thời gian qua không hiệu quả để hướng tới một giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine. Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy, cứ 3 người Nga thì có 2 người cho rằng họ không quan tâm đến các biện pháp cô lập của phương Tây.
Thậm chí, trong những tuần gần đây, khi giá dầu thô xuất khẩu của Nga đạt mốc cao nhất 3 năm qua, đẩy đồng ruble của nước này tăng giá và thị trường chứng khoán Nga khởi sắc thì càng có nhiều ý kiến nhận định, xứ sở Bạch dương vẫn đủ tự tin đối mặt với bất cứ biện pháp trừng phạt nào từ bên ngoài.
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, với những bước đi mới nhất, chính phủ nước này vẫn theo đuổi cam kết duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Dự kiến trong tuần này, Washington sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung với Mátxcơva liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này đã ngay lập tức lên án mạnh mẽ bước đi của Nhà Trắng, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả. Tuy nhiên, các quan chức Nga khẳng định, không tìm kiếm sự đối đầu với Mỹ, trái lại luôn sẵn sàng cải thiện và hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.
Nhưng dường như những nỗ lực trên khó có thể đạt kết quả khi tư tưởng chống Nga ở Mỹ đang chiếm ưu thế, thậm chí còn mạnh hơn thời Chiến tranh Lạnh. Người phát ngôn Điện Kremlin Smitry Peskov nhấn mạnh: “Nga đang tìm cách hợp tác với Mỹ để giải quyết tất cả các vấn đề quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi không cảm thấy thiện chí của Mỹ về sự hợp tác này”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố những mưu toan của Mỹ nhằm thay đổi chính sách đối ngoại của Nga bằng cách gây áp lực với giới thượng lưu và một số công ty sẽ chẳng có viễn cảnh tốt đẹp; và Mátxcơva có những “giới hạn” của mình trong chính trị và phương Tây cần phải tôn trọng.
Với những gì đang diễn ra, có rất ít cơ sở để tin rằng mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ sớm được giải tỏa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai nước mà còn có tác động tiêu cực đến việc giải quyết nhiều vấn đề nóng trên thế giới cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hai siêu cường.