Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm từ cơ sở

Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 29/01/2018

(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhưng an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo của nhiều gia đình. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm từ cơ sở là yêu cầu cấp thiết hiện nay.


Nhiều bất cập

Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2017, các đơn vị của Sở đã kiểm tra 18.812 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, trong đó 1.680 cơ sở vi phạm với lỗi chủ yếu như kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ; chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiêu hủy 5 tấn sản phẩm nông, lâm, thủy sản không bảo đảm an toàn. Hiện các địa phương đang tích cực thanh tra, kiểm tra chất lượng nông sản ở cơ sở sản xuất, chợ dân sinh. Tuy công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thành phố phân cấp và triển khai nhưng thực hiện ở cơ sở còn chậm, chưa quyết liệt.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.


Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Hiện người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm; trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Các ngành chức năng vẫn khó khăn trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm động vật do Luật Thú y đã bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh. Các cơ sở xếp loại C và tỷ lệ cơ sở vi phạm không đạt yêu cầu còn cao, nhất là với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ, mùa vụ.

Ở nhiều địa phương, mặc dù số lượt thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành liên quan. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Bộ và Chính phủ nên hiệu quả thanh tra không cao.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các chủ thể đầu tư sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp chất lượng và thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, phát triển mô hình chuỗi chất lượng cao... Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Vinh Thủy cho biết: Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra an toàn thực phẩm tại các địa phương còn thiếu về số lượng; hạn chế về chuyên môn, đặc biệt trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, việc xử lý dứt điểm một số tồn tại về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không bảo đảm vệ sinh... còn chậm. Hệ thống chính sách pháp luật cơ bản hoàn thiện nhưng còn vướng mắc trong triển khai như Thông tư 51/ 2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ…

Kiểm soát chặt lò giết mổ thủ công


Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp. Mặt khác, huyện cũng hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép dùng để mọi người biết và tự giác thực hiện. Huyện cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, lấy mẫu giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để quản lý tốt nguồn thực phẩm vào thành phố và trở thành nơi giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng, miền cho người dân Thủ đô. Các quận, huyện tập trung quản lý tốt công tác giết mổ, đặc biệt là giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y.

Ngoài ra, trong lộ trình, cần xây dựng những lò giết mổ bán công nghiệp có kiểm soát và từng bước xóa bỏ điểm nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quản lý cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân cấp của thành phố; chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên, đột xuất những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở không bảo đảm chất lượng để người tiêu dùng biết khi lựa chọn sản phẩm.

Quỳnh Dung