Thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria

Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 30/01/2018

(HNM) - Trong bối cảnh các bên trong cuộc xung đột tại Syria đã dần kết thúc theo đuổi giải pháp quân sự và chuyển sang các tiến trình chính trị, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra trong hai ngày 29 và 30-1 tại khu nghỉ dưỡng ở TP Sochi (Nga) được coi là một sự kiện đáng chú ý.


Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này đã mời khoảng 1.600 đại diện từ các phe phái chính trị khác nhau tại Syria tham dự Đại hội. Liên hợp quốc cùng một số tổ chức khu vực và quốc tế cũng đóng vai trò quan sát viên, với sự có mặt của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura. Đại hội dự kiến sẽ thông qua tuyên bố kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, mở ra công cuộc tái thiết Syria và thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp mới cho Syria, giúp chính những người dân quốc gia này tự quyết định tương lai của mình theo đúng Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trước đó, đại diện phe đối lập Syria cho biết Nga đã cam kết hối thúc Damascus thực thi lệnh ngừng bắn tại Đông Ghouta trước thềm đại hội.

Sự kiện này được nhìn nhận là nỗ lực của Nga khi phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông. Ba nước này đã tổ chức các cuộc hòa đàm về Syria tại thủ đô Astana (Kazakhstan) trong năm 2017 và đạt nhiều kết quả khả quan, như thảo luận về tiếp cận nhân đạo và nhất trí thiết lập các vùng giảm leo thang căng thẳng ở miền Tây Syria. Trước đó, vòng đàm phán thứ 9 về hòa bình Syria do Liên hợp quốc bảo trợ tại thủ đô Vienna (Áo) đã kết thúc vào đêm 26-1 (giờ địa phương) mà vẫn thiếu tiến triển trong việc tìm ra một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột này. Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric, cho biết: “Tổng Thư ký Liên hợp quốc tin tưởng rằng hội nghị tại Sochi sẽ là một đóng góp quan trọng cho tiến trình đàm phán đang được thực hiện giữa các bên tại Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc”.

Tuy nhiên, Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) của nhóm đối lập chính tại Syria đã bỏ phiếu ngày 27-1 thông qua việc không tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria với 26/36 phiếu thuận. Hàng chục nhóm đối lập khác cũng đã từ chối tham gia hoặc kêu gọi “tẩy chay” sự kiện chính trị diễn ra tại khu nghỉ dưỡng bên bờ Biển Đen. SNC cho rằng đây chỉ là một diễn đàn của Nga được thiết kế để làm suy giảm vai trò của các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ, đồng thời bày tỏ sự không hài lòng về việc Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Mistura có mặt tại đại hội. Chính quyền Khu tự trị người Kurd tại Syria ngày 28-1 cũng cho biết họ sẽ không tham dự các cuộc hội đàm nhằm phản đối chiến dịch quân sự mang tên “Cành Ô liu” kéo dài hơn 1 tuần qua của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin đông người Kurd ở Syria. Giới quan sát cho rằng sự vắng mặt của các nhóm đối lập chính và cộng đồng người Kurd trong quá trình định hình tương lai Syria sẽ phần nào ảnh hưởng tới ý nghĩa của sự kiện này và khiến hy vọng về quá trình chuyển đổi dân chủ và toàn diện của Syria trở nên khó khăn hơn.

Ước tính, cuộc chiến sắp bước sang năm thứ 8 ở Syria đã cướp đi sinh mạng của 500.000 người và buộc hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Từ thời điểm xung đột nổ ra, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là cuộc họp đầu tiên với mục đích tập hợp các nhóm khác nhau vào một nền tảng đàm phán, đặc biệt là các bên có chung tầm nhìn. Giới quan sát nhận định, Nga đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó có cả việc tìm kiếm giải pháp cho thời hậu chiến, nhất là sau những thắng lợi trên mặt trận chống khủng bố. Vì vậy, dù còn nhiều trở ngại, nhưng Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi là một bước quan trọng trong tiến trình chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng dai dẳng tại quốc gia này.

Minh Hiếu