Lễ hội đền Sóc 2018: Không cần huy động quá nhiều lực lượng công an
Văn hóa - Ngày đăng : 15:43, 30/01/2018
Đền Sóc, Hà Nội. |
Theo Kế hoạch tổ chức Lễ hội đền Sóc 2018, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 21 đến 23-2-2018 (tức ngày 6 đến 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất). Ngày khai hội từ 7h ngày 21-2 (tức mùng 6 tháng Giêng), kết thúc vào 16h30 ngày 23-2 (tức ngày 8 tháng Giêng) tại Khu du lịch – di tích đền Sóc Sơn.
Năm nay, BTC lễ hội cho biết, phần Hội sẽ được mở rộng thêm nhiều nội dung hấp dẫn, tăng thêm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian như biểu diễn nghệ thuật, bóng chuyền, cây đu, cờ tướng, nấu cơm thi, vật cổ truyền, lễ kéo mỏ - di sản cấp quốc gia… Việc làm này nhằm giãn du khách để tránh tập trung ở khu vực làm lễ.
BTC lễ hội khẳng định, lễ hội năm nay tăng cường công tác an ninh, bố trí các khu vực để xe hợp lý, trong 3 ngày hội tuyệt đối không trông giữ phương tiện tại khuôn viên di tích, tất cả xe khách từ 24h chỗ không được vào tượng đài.
Năm nay, lễ hội đền Sóc 2018 có sự thay đổi lớn nhất là sẽ không có màn “cướp lộc”, cũng vì thế mà các phương án chuẩn bị của lễ hội được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, trước đó, BQL Khu du lịch – di tích đền Sóc đã có cuộc gặp gỡ, họp bàn với người dân 2 thôn Vệ Linh và Đan Tảo để thống nhất việc thay đổi hình thức rước hoa tre và trầu cau nhằm tránh xảy ra những hiện tượng chen lấn, “cướp lộc” phản cảm như mọi năm. Người dân đã thống nhất với cơ quan quản lý việc sau khi rước giò hoa tre, trầu cau lên đền Thượng sẽ xé lẻ lễ mang xuống lễ tạ tại đền Hạ và đền Mẫu, thay vì rước cả giò như mọi năm.
Lãnh đạo Cục Văn hoá, cở sở (Bộ VH-TT&DL) làm việc với BTC Lễ hội đền Sóc. |
Trước vấn đề này, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng BTC lễ hội cũng cho biết, mọi năm, việc “cướp lộc” diễn ra ngay khi giò hoa tre và trầu cau rước từ đền Thượng xuống đền Hạ và Mẫu. Để đảm bảo an ninh lễ hội, BTC phải tăng cường rất nhiều lực lượng công an.
“Lễ hội năm 2017, chúng tôi tăng cường hơn 300 công an, gần hết lực lượng công an của huyện, và còn phải huy động cả lực lượng sinh viên, thanh niên tình nguyện thì mới đủ. Dù vậy, nhiều lúc vẫn không đảm bảo được việc tranh cướp, có thanh niên còn nhảy nằm lên giò hoa tre để cướp. Nhiều người dân, đặc biệt là người cao tuổi đã bày tỏ rằng, họ rất lo sợ mỗi lần bị chen cướp như vậy. Có cụ bị thanh niên chen đến nỗi về đau người, ốm cả tuần. Năm nay, chúng tôi kiên quyết không để điều đó xảy ra. Cần phải thay đổi hình thức rước để không cần đến nhiều lực lượng công an đến vậy”, ông Lê Hữu Mạnh bày tỏ.
Theo ông Lê Hữu Mạnh, BTC vẫn đang lên các phương án, xây dựng kịch bản cho lễ rước và lễ tạ sao cho hợp lý để lễ hội vẫn diễn ra đúng nghi thức truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mà vẫn có thể tránh được tình trạng chen cướp. Với tâm lý người dân đi lễ phải có lộc mới vui, BTC sẽ nghiên cứu xây dựng kịch bản để không tán lộc tập trung như mọi năm mà sẽ phân tán ra.
Tai buổi làm việc, TS Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Di sản thuộc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, trước đó, Sở đã họp và lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa về vấn đề này. Các nhà văn hóa đều cho rằng, trước kia Lễ hội Gióng (đền Sóc) thực hiện lễ rước từ trong đêm nên gần như không xảy ra tình trạng tranh cướp. Khi lễ hội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, BTC lễ hội quyết định tiến hành lễ rước muộn hơn để nhân dân được chung vui. Bây giờ, nhiều thanh niên, du khách không hiểu hết giá trị của lễ hội, đã có nhiều hành vi chen lấn, xô cướp phản cảm, vì thế việc đưa lễ hội trở lại truyền thống xưa là cần thiết.
Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL) nhận định, kế hoạch tổ chức lễ hội của BTC Lễ hội đền Sóc khá bài bản. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Văn hoá cơ sở cũng nhắc nhở, BTC lễ hội nên tính toán, xem xét kỹ hình thức tán lộc cho dân sao cho phù hợp tránh để xảy ra tình trạng lộn xộn không đáng có.
Sau cuộc làm việc với lãnh đạo Cục Văn hoá cơ sở, Sở VH-TT Hà Nội, BTC Lễ hội đền Sóc sẽ xây dựng kịch bản chi tiết lễ hội để trình lên Bộ VH-TT&DL phê duyệt trước mùa lễ hội 2018.