Tự chủ tài chính trong các bệnh viện công tại Hà Nội: Còn nhiều gian nan!

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 30/01/2018

(HNM) - Cùng với xu thế phát triển chung đó của ngành Y tế, Hà Nội đang tiến tới triển khai việc tự chủ hoàn toàn về tài chính tại tất cả các bệnh viện công lập, trừ những đơn vị y tế đặc thù...

Tự chủ tài chính giúp các bệnh viện có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: Viết Thành


Bài đầu: Khó triển khai “một sớm, một chiều”

Suốt thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách, nay các bệnh viện công lập phải tự chủ tài chính, loay hoay tìm cách để tồn tại, chắc chắn sẽ có những đơn vị không thể “tự bơi”, gặp khó khăn trong bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên. Chính vì vậy, việc giao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện công lập không thể triển khai trong "một sớm, một chiều" mà cần có thời gian, lộ trình.

Thu không đủ chi

Đầu năm 2017, UBND TP Hà Nội đã giao tự chủ tài chính cho thêm 3 đơn vị của ngành Y tế, gồm: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Trước đó, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai đã thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, kể cả những bệnh viện có thương hiệu, thành công với mô hình tự chủ cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai.

Mới gần 7h sáng nhưng khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã có rất đông người bệnh đến chờ khám. Với lợi thế là bệnh viện có tên tuổi, cơ sở vật chất khang trang, nằm giữa trung tâm Thủ đô, đội ngũ bác sĩ chất lượng và trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân, nhưng, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn trăn trở về việc phải "cân đo" các khoản thu - chi. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, mặc dù tay nghề của bác sĩ, phòng mổ có tầm cỡ quốc tế, vật tư, thuốc men có giá “nhập khẩu”, nhưng chi phí cho một ca phẫu thuật ở Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với thế giới. Thu cao thì sợ bệnh nhân “chạy mất”, mà thu thấp thì không đủ bù chi. “Chúng tôi luôn phải cân nhắc để bảo đảm bệnh nhân được hưởng các dịch vụ “chất lượng ngoại, giá nội”, mà lại đủ chi để duy trì hoạt động. Trong khi đó, chúng tôi chưa được đào tạo về kinh tế, việc phải tìm cách có thu đủ để "nuôi quân" mà vẫn hoạt động tốt, phát triển tốt thực sự là một áp lực” - ông Nguyễn Đình Hưng chia sẻ.

Là đơn vị công lập tự chủ đầu tiên của ngành Y tế Thủ đô, 10 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức để có được như ngày hôm nay. Ông Trần Tử Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cho biết, khi chuyển sang mô hình hoạt động mới, bệnh viện có cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, tương đương với một phòng khám đa khoa. Còn nguồn nhân lực khi đó, đa phần toàn người trẻ, năng lực chuyên môn còn hạn chế. “Thời điểm đó, đang hưởng cơ chế của bệnh viện bán công, chuyển sang tự chủ, khiến cả tập thể hoang mang. Thậm chí, một số cán bộ chuyên môn có tay nghề xin nghỉ việc, đối tác liên doanh thiết bị y tế chấm dứt hợp đồng. Và áp lực với một người lãnh đạo hoàn toàn chưa có trải nghiệm, quản lý ở bệnh viện tự chủ như tôi là rất lớn” - ông Trần Tử Bình cho biết thêm.

Đối với một số bệnh viện tuyến huyện, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế thì khó khăn trong việc tự chủ tài chính còn nhân lên gấp bội. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân đến khám và điều trị. So với bệnh viện tuyến huyện khác, số lượng bệnh nhân này không hề ít. Thế nhưng, ông Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ cho biết, thu vẫn không đủ chi. Bởi lẽ, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nên bệnh viện khó tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ý thức được áp lực cạnh tranh thu hút bệnh nhân, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai nhiều kỹ thuật mới. Theo ông Đoàn Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, nếu chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, bệnh viện sẽ đứng trước thách thức không nhỏ. Hiện tại, cơ sở vật chất của bệnh viện còn thiếu thốn, phòng ốc, nhà cửa xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Người bệnh có tâm lý thích “vượt tuyến”, trong khi cơ sở vật chất của bệnh viện như vậy khó “giữ chân” họ. Không có bệnh nhân thì bệnh viện cũng không có nguồn thu để trả lương và “giữ chân” bác sĩ…

Vẫn là tự chủ... nửa vời


Điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Một trong những vướng mắc của các bệnh viện được triển khai tự chủ tài chính hiện nay là triển khai theo kiểu… nửa vời. Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện mới được tự chủ về tài chính, còn về tự chủ để tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì chưa có. Ông Nguyễn Đình Hưng cho rằng: "Nếu bệnh viện được tự chủ về nhân lực, chúng tôi sẽ dễ dàng tìm được nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, nếu bệnh viện được tự chủ về chi trả thu nhập cho nhân lực chất lượng cao thì sẽ thu hút được người tài và có định hướng tương lai phát triển tốt hơn".

Hiện TP Hồ Chí Minh có 51 bệnh viện thực hiện việc tự chủ, trong khi đó TP Hà Nội mới chỉ có 5 bệnh viện. Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, do thiếu về cơ chế, chính sách và đặc biệt là nguồn vốn. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc hoạt động tự chủ về bộ máy, về nhân sự, tổ chức cũng như tự chủ chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mặt khác, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa ban hành được khung giá dịch vụ theo yêu cầu. Chính vì vậy, các bệnh viện tự quyết định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và chưa có sự thống nhất.

Để thu hút người bệnh, bệnh viện tập trung vào nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng phục vụ là chính. Song, không phải bệnh viện nào cũng đi theo con đường bền vững này. Vì thế xuất hiện nỗi lo khi đứng trước áp lực tự chủ, các bệnh viện sẽ thu hút bệnh nhân bằng những “chiêu thức” khác nhau, trong đó có chuyện lạm dụng kỹ thuật cao để “moi tiền” bệnh nhân. Bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, dù giao quyền tự chủ tài chính, nhưng Nhà nước vẫn phải điều tiết, kiểm soát chặt để bệnh viện không thể lạm quyền, bác sĩ không thể chạy theo lợi nhuận mà xem bệnh nhân là đối tượng để tăng thu, lạm dụng kỹ thuật cao, đắt tiền.

Từ thực tế trên cho thấy, việc tiến tới tự chủ hoàn toàn ở bệnh viện công còn rất nhiều việc phải làm và cũng không thể triển khai có hiệu quả ngay “một sớm, một chiều”.

Thu Trang