Thực hiện chính sách dân tộc: Phải cụ thể, sâu sát, kịp thời
Chính trị - Ngày đăng : 07:21, 30/01/2018
Với sự quan tâm của Trung ương và thành phố, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, để các chính sách dân tộc đi vào cuộc sống tốt hơn, các ngành của thành phố cần sâu sát, xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai kịp thời.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội thăm, tặng quà gia đình chính sách xã Ba Vì, huyện Ba Vì. |
Nhiều chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống
Cụ thể hóa những quyết định của Chính phủ về các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số (Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; Quyết định số 18/QĐ-TTg; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg…), UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 5844/QĐ-UBND, kịp thời triển khai các quyết định của Trung ương, hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo.
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Ánh Dương, việc kịp thời triển khai chính sách đã giúp tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn thành phố ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện. Cụ thể, thành phố đã bố trí kinh phí thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hơn 4,8 tỷ đồng; hỗ trợ học sinh gần 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã bố trí hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện 224 dự án hỗ trợ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn về y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt, văn hóa, giáo dục, giao thông… Thành phố còn hỗ trợ gần 46 tỷ đồng để thực hiện chính sách vay vốn tín dụng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng để cung cấp nước sinh hoạt cho 855 hộ; cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Dù vậy, công tác dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, do đây là lĩnh vực rất rộng, công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo. Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, nhiều chính sách được giao thực hiện theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương (Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo…), Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố chỉ là cơ quan phối hợp, nắm bắt thông tin, số liệu.
Chưa kể, biên chế của Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố ít (Ban Dân tộc thành phố có 21 người), nhưng khối lượng công việc nhiều, hằng năm có hơn 2.000 văn bản đi và đến. Ngoài ra, ở cấp cơ sở, cán bộ làm công tác dân tộc còn kiêm nhiệm, dẫn đến công tác tham mưu chưa hiệu quả. Mặt khác, việc đầu tư thực hiện các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, công tác triển khai thi công kéo dài, nhất là các dự án về giao thông, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Đơn cử như huyện Ba Vì, địa phương có số lượng người dân tộc thiểu số sinh sống lớn của thành phố, với hơn 27.000 người, trong đó đa số là dân tộc Mường, Dao. Thời gian qua, huyện đã thực hiện 14 chính sách dân tộc hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 5844/QĐ-UBND của UBND thành phố với tổng số đối tượng thụ hưởng là 216 người. Dù vậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết, do địa bàn các xã miền núi rộng, xa trung tâm nên công tác phối hợp giữa các phòng, ban liên quan và UBND các xã trong việc thực hiện chính sách còn hạn chế.
Hỗ trợ “cần câu” thay vì cho “con cá”
Đợt khảo sát trong tuần qua của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội về lĩnh vực này cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian tới cần có giải pháp cụ thể, kịp thời hơn nữa để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc.
Dẫn chứng về việc đào tạo nghề, 10 năm qua thành phố bố trí ngân sách lớn, nhưng số lượng học viên có việc làm sau khi học nghề rất ít, Trưởng phòng Hành chính sự nghiệp Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Tiến Vinh cho rằng: “Thực tế, ngân sách phân bổ cho các huyện, các huyện phân bổ cho các xã nhưng không tổ chức đào tạo theo nhu cầu nên hiệu quả thấp. Vì vậy, cần khảo sát cụ thể, sát sao và trách nhiệm hơn”. Đồng quan điểm, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng nhấn mạnh thêm, phải khảo sát kỹ nhu cầu, sau đó mới tổ chức đào tạo nghề. Điều này đòi hỏi sự trách nhiệm của cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở.
Cho rằng việc triển khai còn nhiều đầu mối và thực hiện chồng chéo giữa các sở, ngành, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương đề nghị, thời gian tới, Ban Dân tộc thành phố cần đề xuất, tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp để thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành. Trước mắt, Ban Dân tộc thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt vai trò đơn vị thường trực, cầu nối giữa các lực lượng, đơn vị để tạo nguồn lực hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là làm tốt hơn nữa việc tuyên dương các già làng, trưởng bản, người có uy tín.
Quan trọng hơn, để nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số cần sự vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền cấp huyện và cơ sở. Trong đó, vai trò của cán bộ cơ sở trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của đồng bào là rất quan trọng. Qua đó, đề xuất giải pháp hỗ trợ cụ thể với quan điểm hỗ trợ “cần câu” thay vì cho “con cá”